Núi Bà Đen Chốn linh thiêng tìm về
(Xây dựng) – Chỉ cần lên Google, gõ vào thanh tìm kiếm cụm từ “Núi Bà Đen”, có khoảng 13.800.000 kết quả hiển thị trong vòng 0,4 giây. Theo báo cáo của Google, số lần tìm kiếm về núi Bà Đen trung bình hằng tháng từ đầu năm 2023 đến nay lên đến hàng triệu lượt, tăng 900% so với cùng kỳ năm trước đó, và vượt hơn hẳn so với nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng trên cả nước.
Quần thể tâm linh kỳ vĩ kết nối mạch nguồn linh khí với chùa Bà ở lưng chừng núi. |
Sau chuyến hành trình lần đầu đến đỉnh núi Bà Đen, Thượng toạ Thích Thiện Thức – Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh xúc động nói: “Quần thể chùa Bà trên núi Bà Đen chính là một thánh tích, trực giác của tôi mách bảo, nơi đây rất linh thiêng và nhiệm màu”. Quả đúng vậy, núi Bà Đen có độ cao 986 m, là ngọn núi linh thiêng, cao bậc nhất trong vùng Đông Nam Bộ với một hệ thống chùa, am, động, miếu và các công trình tâm linh độc đáo. Quần thể chùa Bà gồm 6 ngôi chùa trải dài từ chân lên đến lưng chừng núi Bà Đen.
Nằm ngay dưới chân núi là chùa Linh Sơn Phước Trung (còn gọi là chùa Trung); sau đó đến chùa Long Châu Phước Trung; Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) cũng là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ XVIII nằm ở lưng chừng núi ở độ cao 350 m gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu được tôn là Bồ tát, là biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam Bộ; chùa Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng), ngôi chùa nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen.
Thượng toạ Thích Thiện Thức nói: “Giới đàn được tổ chức trong quần thể chùa Bà, nơi mang nhiều vẻ đẹp về lịch sử, văn hoá, kiến trúc. Đặc biệt, nơi này cũng là một dữ kiện cho sự phát triển du lịch tâm linh, nét đẹp văn hoá, nét đẹp về Phật giáo Việt Nam”.
Trên quảng trường rộng lớn nằm ở đỉnh núi, nơi các Phật tử, sư thầy và khách hành hương nghiêm trang chiêm bái trụ kinh Bát Nhã cao hơn 20 m, khắc 12.000 chữ Tây Tạng dát vàng. Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Các giới tử tham quan khu trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Các tăng ni, phật tử tìm hiểu và khám phá về sự hình hành vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim 3D mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại.
Đây cũng là nơi thường diễn ra lễ dâng hoa đăng nguyện cầu cho sự bình an và quốc thái dân an trong những lễ hội lớn của Phật giáo, như Rằm tháng Giêng, Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan… Hoạt động dâng đăng rất ý nghĩa này thu hút đông đảo Phật tử, du khách yêu thích, sẵn sàng nán lại vào buổi tối để thực hành nghi lễ viết lời cầu nguyện của mình dành lên các ngọn hoa đăng.
Hàng ngàn ngọn đèn đăng lung linh thắp sáng khắp đỉnh núi ảo trong mây tạo nên một không gian vô cùng huyền diệu và thiêng liêng dành cho du khách. Sau mỗi đêm dâng đăng, các ngọn đèn đăng với lời nguyện ước sẽ được ban tổ chức làm lễ hóa nguyện, dâng lên Chư Phật, Chư Bồ Tát, ngưỡng mong những ước cầu sẽ thành hiện thực.
Đặc biệt, mọi người sau đó sẽ hành lễ trước xá lợi Đức Phật Thích Ca, an toạ trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, trong trung tâm triển lãm Phật giáo, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014, được chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định) cúng dường.
Núi Bà Đen càng huyền ảo khi đêm xuống bởi được thắp sáng bằng công trình ánh sáng nghệ thuật hiện đại nhất Việt Nam. |
Điểm nhấn được cho là linh thiêng nhất trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay là một quần thể tâm linh kỳ vĩ kết nối mạch nguồn linh khí với chùa Bà ở lưng chừng núi. Tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất châu Á đến nay được xem là biểu tượng linh thiêng của núi Bà Đen. Tay trái tượng Phật cầm bình cam lộ đang dốc xuống, tượng trưng cho ban phát phước lành, cứu rỗi chúng sinh khỏi khổ đau.
Tay phải Phật Bà nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen kép trong tượng Phật thời Lê, với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa.
Ngay dưới chân tượng Phật là khu triển lãm Phật giáo rộng lớn, nhìn từ xa tựa một toà sen khổng lồ đang bừng nở nâng đỡ tượng Phật Bà ẩn hiện giữa mây trời. Mỗi tầng của toà sen lại mở ra một hành trình xuyên suốt hàng ngàn năm Phật Pháp theo cách trước nay chưa từng có, với rất nhiều phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, tại khu vực Đại sảnh mái vòm tầng 1, du khách lần đầu tiên được “xuyên không” vào thế giới riêng của Phật giáo, từ nơi nhuỵ sống đầu tiên nảy mầm cho đến khi chúng sinh được phổ độ bởi đức Phật.
Và với rất nhiều người, một nắm đất hay một chút nước từ khe suối trên đỉnh núi đều ẩn chứa khí thiêng của huyệt đạo này. Theo Hoà thượng Thích Niệm Thới (Pháp chủ chùa Bà tại núi Bà Đen), khe suối trên núi Bà Đen được cho là có chứa vàng (vàng non), và rất nhiều người lên núi múc nước suối uống hoặc mang về. “Nhiều người tin rằng mang nước khe suối tại núi Bà Đen về nhà chính là mang về tài lộc, may mắn và sức khoẻ”, ông nói.
Vì những huyền tích gắn liền với núi Bà Đen, mỗi năm, có hàng triệu người từ khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng miền Nam về đây hành hương, chiêm bái. Ngay dưới chân núi vào những ngày Tết hoặc Rằm tháng Giêng, rất nhiều người chọn ngủ lại, phần để sáng hôm sau có thể lên đỉnh núi thật sớm, phần để cầu may mắn cho cả năm. Những ngày cuối tuần trong tháng Giêng, những đoàn xe kéo dài suốt từ Trảng Bàng đến chân núi là chuyện thường thấy. Họ đều có chung một hành trình là đến du xuân chiêm bái cầu an ở núi Bà.
Bên cạnh những công trình đưa vào hoạt động từ những năm trước như nhà ga cáp treo, hệ thống cáp treo lên đỉnh núi và chùa Hang, quảng trường ở chân núi… Tết Giáp Thìn năm nay, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen có thêm nhiều công trình mới trên đỉnh núi. Đồ sộ nhất, đại tượng Phật Di Lặc khổng lồ có chiều cao 36 m, chiều rộng lớn nhất 45 m, diện tích bề mặt tượng 4.651 m2, nặng 5.112 tấn… sẽ được chính thức khai quang và an vị vào ngày 28/01/2024.
Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. So với những bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, Đại tượng Phật Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới. Được tạo tác ở tư thế ngồi trên thác nước chảy tràn với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, đại tượng Phật Di Lặc trở thành một biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc trên đỉnh núi Bà Đen linh thiêng.
Lễ khai quang còn là dịp để Phật tử và du khách được chiêm ngưỡng Cầu Ước – cây cầu tâm linh đặc biệt là nơi để du khách chiêm bái tượng Phật Di Lặc và ngắm bao quát toàn cảnh vùng đồng bằng và hồ Dầu Tiếng mênh mông từ trên cao. Phía sau lưng và bao quanh tượng Di Lặc Bồ Tát là thác nước nhân tạo khổng lồ cao hàng đầu châu Á với chiều cao 35 m, tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ và nhiệm màu trên đỉnh núi Bà Đen.
Đứng dưới thác nước, đi trên Cầu Ước, chiêm bái tượng Di Lặc Bồ Tát – vị Phật tượng trưng cho Hỷ, Xả đang nở nụ cười hoan hỉ – đây sẽ là hành trình kiếm tìm hỷ lạc và chạm tới hạnh phúc đích thực của du khách. Du khách sẽ có dịp chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn trên đường đến ngôi chùa này; chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang) và chùa Quan Âm. Đặc biệt, quần thể công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét cổ kính khiến những ai đến chiêm bái cũng rất ấn tượng.
Nguồn: Báo xây dựng