Hát giữa trời Âu
Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long trong đêm Đại nhạc hội Thanh nhạc CHLB Đức lần thứ 3. |
4 giờ sáng, ông Hòa lái xe rời thành phố Augsburg nhắm hướng Erfurt lao đi. Khoảng cách giữa 2 thành phố chừng gần 400 km, ông Hòa dự tính sẽ đi mất hơn 4 giờ và sẽ kịp cho bà Thủy váy áo xúng xính bước lên sân khấu trình diễn trong chương trình Đại nhạc hội Thanh nhạc Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức lần thứ 3.
Trên xe, bà Thủy bắt đầu hát. Ông Hòa tay ôm vô lăng, miệng huýt sáo theo giai điệu bài vợ mình đang hát. Không ai nghĩ họ sắp bước vào tuổi 70. Còn bà Thủy “nằm mơ cũng không nghĩ được có những ngày tuổi xế chiều vui như vậy”. Hai ông bà sang Đức đã mấy chục năm, những năm tháng tuổi trẻ thì chỉ làm và làm chứ đâu nghĩ gì đến tận hưởng cuộc sống, đâu nghĩ gì đến ca hát. Rồi khi nghỉ hưu, trong khi ông Hòa “buồn chân buồn tay” nên vẫn đi làm thêm thì bà Thủy chỉ biết giam mình trong căn hộ chung cư trên tầng 4. Con cháu ở thành phố khác, thi thoảng mới lại thăm, hàng xóm thì không có người Việt. Bà Thủy có dấu hiệu trầm cảm.
Giữa những lúc tưởng chừng sẽ “quên mất tiếng Việt” thì có người bạn rủ bà đi học hát do Nghệ sĩ ưu tú Đức Long giảng dạy (Nghệ sĩ ưu tú Đức Long vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân). Cả đời chưa hát được câu nào ra hồn, “già rồi hát cho ai nghe” nên bà Thủy ngại không đi. Nhưng rồi người bạn kiên trì thuyết phục và bà Thủy đã đến lớp học và để nhận thấy “âm nhạc đã cho tôi nhiều điều quý giá còn hơn vật chất đem lại”.
Đến với lớp thanh nhạc của Nghệ sĩ Đức Long, bà Thủy được giao lưu với hàng ngàn người Việt khắp nước Đức, được hát cho nhau nghe, được chia sẻ cùng nhau và mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng những trái tim luôn đồng điệu, luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.
Chương trình Đại nhạc hội Thanh nhạc CHLB Đức lần thứ 3 được tổ chức tại thành phố Efrut. Câu lạc bộ (CLB) Thanh nhạc Augsburg của bà Thủy cùng 11 CLB thanh nhạc trên toàn nước Đức do Nghệ sĩ Đức Long giảng dạy với 86 tiết mục được thể hiện bởi 300 “trái tim hát” và hơn 7.000 thành viên khắp nước Đức “ngừng làm việc 1 ngày” để theo dõi trực tiếp trên trang Thanh nhạc CHLB Đức các tiết mục tại Đại nhạc hội…
Sau mấy ngày đi trên đường phố nước Đức không được nghe tiếng Việt thì cảm xúc của chúng tôi như bung ra khi nghe những anh chị ở CLB Thanh nhạc Rostock mở màn cho đêm Đại nhạc hội bằng bài hát Giai điệu Tổ quốc. Đứng giữa châu Âu nghe những người con xa quê hát những ca từ về Tổ quốc “Và tôi yêu và tôi hát/ Lời yêu thương lời bỏng cháy/ Tháng ngày này đất nước ơi/ Tổ quốc của chúng tôi…” thấy máu trong người như chảy mạnh hơn và thấy được sự khát khao của kiều bào hướng về quê hương, đất nước nhiều đến nhường nào.
Rồi cả khán phòng lặng đi khi nghe Thanh Hồng – Hà Loan (CLB Thanh nhạc Augsburg) hát “Mẹ tôi” của Nhạc sĩ Trần Tiến. 300 con người có mặt trong khán phòng, nhiều người trong số họ rưng rưng vì không còn mẹ, những người còn mẹ thì khắc khoải nhớ về Việt Nam. Nghe những bài hát về mẹ ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng xúc động. Nhưng, nghe hát về mẹ ở nước ngoài thì cảm xúc vô cùng đặc biệt… “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”.
Ông Lê Văn Cát (73 tuổi), thành viên Thanh nhạc thành phố Muenchen chia sẻ: “Âm nhạc là tiếng nói chung của nhân loại. Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất trần gian này, tiếng hát nhắc nhở một điều giản dị: Tôi hát là tôi hiện hữu… Chương trình Đại nhạc hội Thanh nhạc CHLB Đức lần thứ 3 phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn từ đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca… tạo nên một không gian giao lưu văn hóa gần gũi, ấm áp và sự gắn kết của tất cả các thành viên trong một sân chơi chung là âm nhạc”.
Còn Nhà sản xuất và biên tập chương trình Đại nhạc hội Thanh nhạc CHLB Đức lần thứ 3 Nguyễn Công Thái khẳng định: “Đại nhạc hội Thanh nhạc lần thứ 3 là sự kiện đặc biệt của trang Thanh nhạc CHLB Đức, với mong muốn được nối vòng tay lớn tới cộng đồng người Việt, những kiều bào xa quê hương được cháy hết mình trong một sân chơi âm nhạc vui vẻ, ý nghĩa, nhằm giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hoá Việt Nam tới cộng đồng và bạn bè thế giới”.
Có mặt trong Chương trình Đại nhạc hội Thanh nhạc CHLB Đức lần thứ 3, ông Jose Manuel Paca – Chủ tịch Hội đồng Người nước ngoài tại Erfurt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người nhập cư CHLB Đức cho rằng: “Qua sân chơi văn hóa cộng đồng ý nghĩa này, những người mang bầu máu nóng và những trái tim nhiệt huyết thắp lửa đã kết nối nhau, tạo nên một sức mạnh tập thể người Việt Nam – một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh tại châu Âu bằng nhịp cầu âm nhạc gắn kết mọi người”.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức ngày càng lớn mạnh, với hơn 250.000 người. Với những người nhận nhiệm vụ kết nối, gắn kết những người con Việt Nam với nhau, đây quả thực là chuyện không dễ, do yếu tố khoảng cách địa lý, tính chất công việc, những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ…Nhưng nhờ âm nhạc, họ đã làm được điều tưởng chừng rất khó đó.
Âm nhạc góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho cộng đồng người Việt tại CHLB Đức. Thông qua âm nhạc, việc kết nối chia sẻ đam mê, tạo sân chơi cho cộng đồng được triển khai rộng rãi hơn, từ đó gắn kết cộng đồng người Việt từ nhiều nơi không chỉ ở Đức, mà cả các nước tại châu Âu và toàn thế giới. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng là phương tiện để các thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại Đức hiểu và yêu thêm văn hóa Việt Nam, góp phần tự hào về nguồn cội của mình.
Họ đang là những trái tim thắp lửa, góp phần nhen lên ngọn đuốc tình yêu quê hương xứ sở cho thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại châu Âu để tiếng Việt mãi được lưu truyền và gìn giữ.
Người truyền lửa
Hơn mười năm trước tôi có may mắn được tham dự nhiều chương trình Festival Quốc tế ở CHLB Đức, tôi cùng đoàn có nhiều ca sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau đã đi khắp nước Đức biểu diễn. Chúng tôi hát cho mọi người nghe và nghe họ hát. Nhưng chưa bao giờ tôi được nghe một người Việt hát, đó dường như là nỗi đau của tôi. Và tôi quyết định dạy họ hát, để tiếng Việt được ngân lên trong các chương trình quốc tế tại đất nước này. Tôi dạy họ hát để sau những giờ lao động mệt nhọc, họ tụ lại bên nhau, hát cho nhau nghe, để con cháu họ còn duy trì được tiếng Việt. Tôi rất vui khi biết vừa qua Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”. Đối với những người trẻ là các thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thứ 4 ở nước Đức nói riêng và nước ngoài nói chung phải biết tiếng Việt, nói được tiếng Việt và yêu tiếng Việt. Vì vậy, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng nói chung và dạy thanh nhạc nói riêng càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đến nay tôi có 12 lớp thanh nhạc với hơn 7.000 học viên. Tôi hy vọng họ sẽ là những người gìn giữ và phát huy tiếng Việt hiện tại và mai sau ở nước Đức xinh đẹp này. Nghệ sĩ Nhân dân Đức Long |
Hùng Sơn
Nguồn: Báo lao động thủ đô