Giữ nghề gốm Biên Hòa
Qua biến thiên thời gian, các làng gốm Biên Hòa từ hàng trăm cơ sở, hiện chỉ còn vài chục đơn vị lớn nhỏ. Các đơn vị này tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, Tân Hạnh và Hóa An thuộc thành phố Biên Hòa. Gần đây, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn thành phố Biên Hòa vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa).
Theo Thạc sĩ Lê Văn Nghĩa – Trường Chính trị Đồng Nai, tại làng Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa – cù lao Phố, thành phố Biên Hòa) từng là nơi có nhiều nghề thủ công phát triển. Trong lịch sử phát triển của xứ Đồng Nai, cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, gốm, đúc đồng, làm mộc, trồng mía nấu đường… Qua thời gian mai một, ở đây hiện còn để lại nhiều dấu ấn với nhiều kiểu dáng, chủng loại, phong cách. Ngày nay, tại phường Hiệp Hòa còn có các địa danh như rạch Lò Gốm, bến Miểng Sành. Trong khi đó, tại phường Bửu Long – nơi có di tích cấp Quốc gia Văn miếu Trấn Biên, có xóm Lò Nồi, thôn Bạch Khôi, núi Lò Gạch.
Một nghệ nhân tại làng gốm Biên Hòa. |
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM)), Biên Hòa là nơi duy nhất trong cả nước mà thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng địa phương, di sản văn hóa gốm Biên Hòa thật sự xứng đáng như một biểu tượng quan trọng góp phần nhận diện danh tiếng địa phương.
Nghề gốm Biên Hòa vang danh một thời là thế, có tính bản địa đặc sắc, tuy nhiên, đã dần mai một, hiện nay đang được vực dậy. Các chuyên gia mỹ thuật cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần chú ý tới giải pháp kết nối du lịch với làng nghề, xây dựng điểm du lịch làng nghề sẽ mở ra thị trường tiêu thụ cho sản phẩm truyền thống. Việc gắn kết làng nghề sản xuất gốm với phát triển du lịch là một trong những giải pháp tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn.
Gốm Biên Hòa có lịch sử hơn 300 năm gắn liền với sự phát triển của con người, vùng đất nơi đây với những nét đặc sắc riêng, kết tinh của nét đẹp văn hóa, lịch sử của địa phương qua nhiều giai đoạn. Trước nguy cơ mai một, tỉnh Đồng Nai đã quyết tâm gìn giữ, bảo tồn và đầu tư phát triển, vực dậy nghề gốm truyền thống này. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì việc đi tìm không gian chung để quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử làng nghề được đánh giá là những bước đầu tiên phải làm.
Nhằm xây dựng làng nghề gốm Biên Hòa ngày càng phát triển nhưng vẫn không đánh mất bản sắc vốn có, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa – Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa. Tại đây, một vấn đề xuyên suốt được đặt ra làm sao kết hợp được nghề gốm lâu đời với tiềm năng du lịch của địa phương để phát triển kinh tế.
Trình bày tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Tổng Thư ký Hội Lịch sử TP. HCM) cho biết, hiện nay cần có cách gọi cụ thể cho ba vùng gốm cổ nhưng có quan hệ mật thiết với nhau tại Đông Nam Bộ là vùng gốm Biên Hòa, gốm Sài Gòn (TP.HCM) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Bởi, mỗi vùng gốm cổ có đặc trưng riêng và thịnh đạt vào những thời điểm khác nhau, nhưng đồng thời cũng có nét riêng biệt như những dòng chảy riêng hòa vào dòng “Gốm cổ Nam Bộ”. Để rồi dòng gốm cổ Nam Bộ có thể đối sánh với những vùng sản xuất gốm nổi tiếng khác trên cả nước.
Nghề gốm là một tài nguyên văn hóa bản địa, là di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, nên cần thiết phải được quan tâm bảo tồn, thực tế cho thấy nó hòa vào dòng chảy phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Còn theo Tiến sĩ Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch, việc hình thành không gian thực hành du lịch di sản gắn liền với hệ sinh thái gốm tại thành phố Biên Hòa lúc này là việc nên làm!
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để làng gốm Biên Hòa ngày càng phát triển thì phải gắn với du lịch. |
Cũng tại hội thảo nói trên, tổng cộng 24 tham luận có chất lượng của các nhà khoa học đã đề cập những vấn đề liên quan như phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo; bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa nhìn từ khảo cổ học; tri thức bản địa trong kiến tạo di sản; bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa, Đồng Nai kết hợp với phát triển du lịch – kinh nghiệm từ quốc tế; chiến lược, định hướng liên kết phát triển du lịch Biên Hòa trong bối cảnh mới…
Theo ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thì Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn nghề gốm Biên Hòa, được “sống lại”, gắn kết với sự phát triển về du lịch của tỉnh. Do đó sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các tham luận tại Hội thảo là những tư liệu quý, những gợi mở dành cho thành phố Biên Hòa và cả Đồng Nai. Ông Nguyễn Sơn Hùng cũng nhấn mạnh, nghề gốm Biên Hoà là nét văn hoá lâu đời. Tỉnh Đồng Nai mong muốn nghề này không chỉ được vực dậy mà còn phát triển mạnh mẽ gắn với phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
Thành Đồng
Nguồn: Báo lao động thủ đô