Thưa ông, 2023 là một năm “đầy ắp” hoạt động của ngành TCĐLCL, trong đó, hoàn thiện thể chế pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa là một trong những nội dung trọng tâm. Xin ông chia sẻ về kết quả của hoạt động này?

Năm 2023, Tổng cục TCĐLCL đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sau 17 năm thực thi đã được Chính phủ và Quốc hội xem xét để sửa đổi trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ cho phép sửa Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH. Cụ thể, tập trung vào một số nội dung chính như: trong Luật TC&QCKT sẽ đẩy mạnh thực thi chiến lược Tiêu chuẩn hóa, Luật CLSPHH đưa ra phạm vi, phạm trù khái niệm về hạ tầng chất lượng quốc gia để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Hai Luật cũng khuyến khích xây dựng lực lượng, đội ngũ cán bộ làm về TCĐLCL, làm sao để hoạt động tiêu chuẩn và quản lý chất lượng sẽ được phổ cập rộng rãi cho người dân và doanh nghiệp.

Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là từ khóa “hót”, được nhắc đến rất nhiều như là một trong những dấu ấn đặc biệt được Tổng cục TCĐLCL triển khai trong năm 2023. Ông đánh giá thế nào về tiến trình cũng như cách thức xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa, để chiến lược trở nên hài hòa và mang tính dài hạn hơn?

Để xây dựng được chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, Tổng cục đã học tập nhiều kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) có chiến lược tiêu chuẩn hóa, các quốc gia ASEAN cũng xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa. Giai đoạn vừa qua, Việt Nam cũng nghiên cứu, xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, với mong muốn đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ thực sự giúp hài hòa, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Tổng cục đã lựa chọn mục tiêu quan trọng trong chiến lược để tập trung triển khai trong giai đoạn tới. Thứ nhất, thúc đẩy sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng tiêu chuẩn, đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Thứ hai,  tiếp cận và đi sâu vào các tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất xanh trong các ngành như dệt may, khai khoáng,… để tập trung vào các tiêu chuẩn phục vụ cho phát triển bền vững.

Thứ ba, tập trung đào tạo và giới thiệu tiêu chuẩn cho thế hệ trẻ, các bạn sinh viên nhận thức tiêu chuẩn một cách đúng đắn và khi triển khai một công việc gì cũng sẽ dựa trên tiêu chuẩn. Có thể nói, tiêu chuẩn là một trong những trụ cột rất quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia và chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ là một chương trình để thu hút người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

Hợp tác quốc tế về TCĐLCL góp phần hỗ trợ thực thi các mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo nên thành công chung của hoạt động đối ngoại Việt Nam trong năm 2023. Xin ông chia sẻ về những dấu ấn này?

Năm 2023, chúng ta có rất nhiều hoạt động về hợp tác quốc tế, trong đó, có thể kể đến ba hoạt động nổi bật. Thứ nhất, được hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an… chúng ta đã từng bước tiếp cận được các nước trong xây dựng tiêu chuẩn, thừa nhận hoạt động chứng nhận đối với sản phẩm và dịch vụ Halal – đây được xem là hướng đi rất mới. Với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, chúng ta đã ký hợp tác với Iran, UAE về xây dựng tiêu chuẩn cũng như thực hiện các hoạt động chứng nhận về Halal.

Thứ hai, hợp tác với Đức trong triển khai các hoạt động liên quan đến đo lường, thử nghiệm để chuyển dịch năng lượng, trong đó tập trung vào pin mặt trời. Chúng ta đã có những buổi đào tạo, trao đổi học thuật với Viện Đo lường Kỹ thuật của Đức để giúp nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực về con người trong công tác tiêu chuẩn, hoạt động thử nghiệm, đo lường về pin mặt trời. Đây là hoạt động rất mới, cần thiết và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ ba, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có tuyên bố chung thúc đẩy hài hòa tiêu chuẩn giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm tạo thuận lợi thương mại để xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là chỉ đạo hết sức quan trọng, lần đầu tiên, Đảng ta có những chỉ đạo liên quan đến vấn đề TCĐLCL rất cụ thể và cũng là nền tảng để Tổng cục TCĐLCL xây dựng chương trình triển khai công tác năm 2024.

Để lĩnh vực TCĐLCL ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung, xin ông chia sẻ về những định hướng sắp tới của Tổng cục TCĐLCL?

Bên cạnh công tác chuyên môn nghiệp vụ chúng ta đã và đang triển khai, một trong những điểm nhấn quan trọng là cùng nhau xây dựng tầm nhìn Tổng cục TCĐLCL (STAMEQ) đến năm 2030, tập trung vào năm trụ cột. Thứ nhất, xây dựng tinh thần của STAMEQ, làm sao để mọi người có tinh thần làm việc và cống hiến về hoạt động TCĐLCL.

Thứ hai, phải xây dựng được con người của STAMEQ vừa hồng vừa chuyên, không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn tăng cường đào tạo bồi dưỡng về tư tưởng đạo đức chính trị. Vừa qua, Đảng ủy Tổng cục cũng thực hiện được 3 tháng sinh hoạt chuyên đề về bồi dưỡng, rèn luyện tư tưởng, tác phong của cán bộ đảng viên.

Thứ ba, xây dựng văn hóa của STAMEQ, làm sao để các đơn vị đồng lòng hợp tác hỗ trợ nhau. Dù nguồn lực có hạn nhưng khi chúng ta đồng lòng sẽ giải quyết được bài toán lớn của quốc gia – yêu cầu về hoạt động TCĐLCL.

Thứ tư, xây dựng tinh thần hành động của STAMEQ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân và cống hiến.

Thứ năm, xây dựng sáng kiến của STAMEQ, trong đó, sáng kiến về hạ tầng chất lượng quốc gia là sáng kiến rất quan trọng giúp chúng ta tăng cường kết nối, sử dụng nguồn lực quốc gia, tăng cường thỏa thuận, thừa nhận giữa các kết quả đánh giá sự phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Hà My

 Thiết kế: Hoàng Bách

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích