Tây Yên Tử (Bắc Giang): Tiềm năng được “đánh thức”
(Xây dựng) – Nhờ tích cực huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nắm bắt cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch, thị trấn Tây Yên Tử hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới tràn đầy sức sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. |
Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông
Thị trấn Tây Yên Tử nằm ở phía Nam của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, với vẻ đẹp thanh bình, hoang sơ, thuần khiết gắn với con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thị trấn Tây Yên Tử được thành lập theo Nghị quyết 813/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập xã Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn. Thị trấn Tây Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên 82,06 km2. Dân số thị trấn 1895 hộ với 7.186 nhân khẩu, gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Hoa, Sán Chí, Cao Lan, Sán Dìu, Mường, H.Mông, Ba Na, Chăm…
Trước khi sáp nhập, kết cấu hạ tầng giao thông “đuối hơi” chính là rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của thị trấn Tây Yên Tử nói riêng và huyện Sơn Động nói chung. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang nổi lên như một ngôi sao về tăng trưởng kinh tế trên cả nước, do đó, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, tạo không gian để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và của tỉnh; giải quyết dứt điểm vấn đề tắc đường cục bộ, chia cắt, thiếu tính kết nối hiện nay.
Hưởng lợi từ chính sách chung của tỉnh Bắc Giang, thị trấn Tây Yên Tử ngày nay đã khoác lên mình một diện mạo mới tràn đầy sức sống. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử cho biết: Kể từ khi sáp nhập, thị trấn Tây Yên Tử đã có bước chuyển mình vượt bậc nhờ việc được quan tâm đầu tư khai thông các tuyến đường huyết mạch, tăng tính kết nối. Bên cạnh đó, các tuyến đường trục chính của thị trấn đã được đầu tư nâng cấp đồng bộ thông suốt, từ đó kinh tế – xã hội của thị trấn ngày càng phát triển mạnh mẽ, hộ khá tăng, hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được đảm bảo.
Song song với việc thực hiện chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng của thị trấn, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện, thị trấn Tây Yên Tử đã được đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như Tỉnh lộ 291, 293, tuyến đường kết nối với tỉnh Quảng Ninh, nhờ vậy rút ngắn thời gian di chuyển, tạo đà và là động lực phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử, kể từ khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, tốc độ đô thị hóa của thị trấn đã diễn ra tương đối nhanh. Năm 2023, đã có 46 hộ dân xin cấp phép xây dựng, tăng gấp đôi so với năm trước, trong đó nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch khi đến đây.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu của thị trấn Tây Yên Tử ước đạt 179 tỷ đồng, tăng 11,87% so với năm 2022. “Trong năm 2024, thị trấn Tây Yên Tử sẽ tiếp tục tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng, quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và đô thị theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện các lĩnh vực, nâng cao chất lượng sống cho người dân”, ông Phạm Văn Thịnh chia sẻ.
Bứt phá nhờ phát triển du lịch
Nằm ở sườn Tây của dãy núi Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ, cùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Do đó, ngay từ xa xưa khu vực sườn Tây Yên Tử đã được các vị vua thời Lý – Trần lựa chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, tham thiền học đạo. Cũng chính vì vậy, nơi đây hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái tâm linh.
Trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2035 đã được tỉnh Bắc Giang phê duyệt, đây sẽ được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ thương mại, nông lâm ngư nghiệp; khu du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của tỉnh; đầu mối giao thông đường bộ khu vực phía Đông tỉnh và huyện Sơn Động.
Nắm bắt được những lợi thế đó, những năm qua, công tác phát triển du lịch tại đây đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng… đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Nổi bật trong số đó phải kể tới Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Dự án do Công ty CP Dịch vụ Tây Yên Tử làm chủ đầu tư với diện tích hơn 136,3 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.470 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn với mục tiêu xây dựng khu du lịch kết hợp tổng hòa các yếu tố tâm linh, lịch sử, sinh thái thiên nhiên vùng Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang nói riêng, khu vực nói chung.
Là người gắn bó với dự án ngay từ buổi sơ khai, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Giám đốc điều hành Công ty CP Dịch vụ Tây Yên Tử cảm nhận rõ nét sự thay đổi nơi đây. Theo bà Ngân, trước đây chỉ có khoảng 100 hộ dân sinh sống xung quanh dự án, thu nhập chủ yếu đến từ nghề trồng trọt, đường giao thông nhỏ hẹp, việc đi lại hết sức khó khăn; bên cạnh đó dịch vụ lưu trú, ăn uống gần như không có.
“Có thể rõ ràng nhận thấy, nhờ việc phát triển du lịch, bộ mặt đô thị ở đây đã có nhiều chuyển biến, người dân đã có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đi lại. Cùng với đó, hạ tầng đường điện, đường nước cũng đã được phát triển và quy hoạch bài bản hơn”, bà Ngân đánh giá.
Trong tương lai gần, với những kế hoạch bài bản cùng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tiếp tục được quan tâm đầu tư, bộ mặt đô thị của thị trấn Tây Yên Tử được hứa hẹn sẽ còn có nhiều chuyển biến tích cực, biến nơi đây trở thành một “đô thị du lịch”, là “mỏ vàng” cho du lịch của tỉnh Bắc Giang.
Nguồn: Báo xây dựng