Ninh Bình: Độc đáo kiến trúc đền Trần – Tràng An
(Xây dựng) – Đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm) là ngôi đền đá cổ nằm giữa lưng chừng núi thuộc Di sản Tràng An có tuổi đời trên 700 năm được biết đến là một trong “Hoa Lư tứ trấn” nhằm trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Cố đô. Ngôi đền có kiến trúc bằng đá độc đáo, đặc biệt là bốn cột đá là bốn tác phẩm nghệ thuật được trạm trổ tinh xảo, điêu luyện, huyền ảo mà cha ông ta đã để lại cho hậu thế.
Từ bến thuyền Tràng An, êm đềm rẽ sóng theo dòng sông Sào Khê lịch sử, đi qua các hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, sau đó bộ hành leo qua hàng trăm bậc đá quanh co đến thung Vụng Thắm du khách sẽ thấy đền Trần hiện ra uy nghiêm giữa núi rừng Tràng An.
Đền Trần là ngôi đền rất linh thiêng, thờ Thánh Quý Minh đại vương cùng phu nhân. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ, Quý Minh là một trong ba anh em và cũng là ba vị tướng có công dẹp giặc ngoại xâm dưới thời Vua Hùng. Theo lược dẫn lịch sử, đền được xây dựng từ triều Đinh hơn 1.000 năm trước. Sau đó, Vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại bằng đá, ngôi đền còn lại như hiện nay đã trên 700 năm. Ngôi đền rất linh thiêng nên được biết đến là một trong “Hoa Lư tứ trấn”.
Ngôi đền tuy khiêm tốn về kích thước, nhưng lại ẩn chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật chạm khắc đặc sắc trên đá, được thể hiện trên các xà ngang, bậc cửa, cột và mái hiên, hệ thống cột, nhang án đều bằng đá xanh nguyên khối, mái được ghép bằng đá xanh, kiến trúc còn nguyên vẹn đến ngày nay. Phần mái hiên của đền có hai hàng cột đá còn nguyên bản từ hàng trăm năm, làm bằng đá xanh nguyên khối với kích thước 20x16cm, cao 1,47 m. Mặt ngoài của cột chạm lộng, chạm thông phong theo tích “tứ linh”. Mặt hông của bốn cột đều trang trí hai câu đối được chạm khắc tinh xảo. Hàng cột thứ hai cũng gồm bốn cột đá xanh nguyên khối. Hai cột ngoài cùng được trang trí hình độc long chầu với hoa lá cách điệu, hai cột ở giữa trang trí hai câu đối với các nét chạm khắc bay bổng, có tính thẩm mỹ rất cao.
Bằng mắt thường du khách cũng có thể quan sát thấy những nét chạm khắc rất tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân thời xưa ở trên 4 cột đá, đồng thời là 4 tác phẩm nghệ thuật được chạm theo tích “tứ linh”. Trong đó, Long đại diện cho sự quyền lực, Ly đại diện cho sự may mắn cát tường, Quy đại diện cho sự trường tồn vĩnh cửu, Phượng thể hiện cho sự thanh cao thoát tục.
Điểm độc đáo ở chỗ, nếu như các cột đá khác chỉ chạm khắc nổi một phân thì cả bốn cột đá này lại được chạm khắc kênh bong (đa chiều) và chạm lộng, có chỗ nổi cao đến mười phân. Những con vật, hoạ tiết được chạm nổi rất nhỏ nhưng đặc biệt sắc nét, nếu đứng từ xa thì chỉ thấy hình rồng uốn lượn nhưng khi đến gần ngắm nhìn thật kỹ, mới phát hiện được những nét chạm trổ tinh vi này.
Ngôi đền không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo mà còn là nơi có tín ngưỡng tâm linh rất linh thiêng giữa không gian xanh mát thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An. Hàng năm, vào ngày 18/3 (âm lịch) mở hội Tràng An, thuyền rước trên sông, kiệu rước dài theo vách núi, lộng lẫy nghi trượng, chiêng trống ngợp trời, trăm thuyền nối đuôi nhau trên dòng Sào Khê, lễ nghi trang nghiêm tại đền Trần để tưởng nhớ công lao đức Thánh Quý Minh đại vương nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng thành kính và đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Ngoài ra, lễ hội Tràng An hàng năm cũng là dịp để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người người hạnh phúc.
Nguồn: Báo xây dựng