Giới trẻ mừng vui “đảo ngược lì xì”
“Đảo ngược lì xì” có thể trở thành phong tục năm mới – Ảnh minh họa |
Trong không khí rộn ràng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, việc lì xì – tặng tiền mừng tuổi trong những phong bì đỏ thắm đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn liền với niềm vui và sự ấm áp gia đình. Thường thì các bậc phụ huynh, ông bà sẽ chuẩn bị những tờ tiền mới, đặt cẩn thận vào bao lì xì và trao cho con cháu như một lời chúc may mắn và thịnh vượng cho năm mới.
Nhưng giờ đây, một nét đẹp mới đã dần xuất hiện và được nhiều người đón nhận: Các bạn trẻ cũng bắt đầu có hành động “lì xì ngược” dành cho người lớn tuổi trong gia đình. Hãy tưởng tượng, trong không gian ấm cúng của ngày Tết, khi mọi người quây quần bên mâm cơm, các cháu sau khi nhận lì xì từ bà, lại rút ra một phong bì màu đỏ tươi và đưa cho bà với lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Hành động này không chỉ là biểu hiện của lòng biết ơn mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành và ý thức báo đáp của thế hệ trẻ.
Theo lời “Kinh Ca”, công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ là vô hạn, lì xì “ngược” chính là một cách để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo của mình. Trong mỗi phong bì đỏ không chỉ là tiền mặt, mà còn chứa đựng tấm lòng và sự trân trọng mà thế hệ trẻ muốn gửi gắm đến người lớn tuổi.
Khi được hỏi về “lì xì ngược” mà anh đã thực hiện trong dịp Tết vừa qua, anh Trần Sơn 25 tuổi ở Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội làm nhân viên Công ty điện máy, cười rất tươi và chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc lì xì không chỉ giới hạn ở ông bà, cha mẹ tặng cho con cháu. Trong Tết năm vừa qua, tôi đã gửi lì xì cho bố mẹ của mình như một cách để bày tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo. Bố mẹ tôi đã làm việc rất vất vả suốt đời để nuôi dạy chúng tôi. Giờ đây, khi tôi đã có công ăn việc làm ổn định, tôi muốn đáp lại một phần nhỏ công ơn của bố mẹ. Việc lì xì cũng là cách tôi muốn chúc bố mẹ một năm mới khỏe mạnh và hạnh phúc. Tôi nghĩ đây là một phong tục rất ý nghĩa và nó nên được lan tỏa rộng rãi. Nó không chỉ là về mặt vật chất mà còn thể hiện tình cảm, sự kính trọng và gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình. Tết Giáp Thìn tới đây tôi sẽ lì xì bố mẹ tôi nhiều hơn năm trước”.
Có thể nói, việc “lì xì ngược” không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính cho người cao tuổi trong một số hoàn cảnh mà còn là cách để thắt chặt tình thân, tạo nên một bầu không khí gia đình đầy yêu thương và hòa hợp. Đây có thể trở thành một phong tục mới, một nét đẹp văn hóa thể hiện lòng kính trọng và yêu thương giữa các thế hệ.
Cô Phan Thị Giới 68 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, khi cô nhận được lì xì từ các con và cháu của mình cô thực sự rất xúc động và hạnh phúc. Đó không chỉ là một phong bì lì xì mà còn là tấm lòng của các con, các cháu cô dành cho mẹ, cho bà. Cô cảm thấy rất tự hào vì đã nuôi dạy được những đứa con biết yêu thương và trân trọng gia đình.
“Cô có một con gái định cư ở Đức nhưng năm nào cũng gửi em gái út để lì xì tận tay mẹ. Cô nghĩ đây là một bước tiến tốt đẹp trong việc giáo dục con cái về tình cảm gia đình và đạo đức hiếu thảo. Việc lì xì giúp cho các thế hệ trong gia đình hiểu thấu đáo hơn về việc đền đáp và quan tâm lẫn nhau. Cô nghĩ rằng, chúng ta nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái thể hiện tình cảm của mình một cách tự nhiên. Hãy dạy con trân trọng những giá trị tinh thần và luôn nhớ rằng, một hành động nhỏ cũng có thể mang lại niềm vui lớn cho người khác”, cô Giới chia sẻ.
Tuy nhiên, “lì xì ngược” chỉ là một phần trong việc thể hiện lòng hiếu thảo. Điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm và những việc làm thiết thực hằng ngày. Lòng hiếu thảo không chỉ được thể hiện qua những phong bì màu đỏ, mà còn nằm ở việc quan tâm, chăm sóc và dành thời gian cho cha mẹ. Dù ở xa hay gần, ta nên thường xuyên về thăm, gọi điện hỏi thăm và sẵn lòng giúp đỡ khi cha mẹ cần. Bởi vì, hiếu thảo không chỉ dành cho những ngày Tết Nguyên đán, mà còn là sự đồng hành, sẻ chia mỗi ngày, mỗi giờ, làm cho tình cảm gia đình càng thêm khăng khít và ấm áp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô