Từ làng hoa đến chợ Tết
Nhà vườn “chạy nước rút”
Những ngày này, không khí Tết tại các làng hoa của Hà Nội như Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh… đang vô cùng hối hả. Người Hà Nội sành chơi và người từ thành phố lân cận đổ về các làng hoa tạo nên sắc Tết sôi động. Không khí ra vào đặt và chọn cây tấp nập từ trước cả tháng.
Các phiên chợ Tết tấp nập người mua người bán. |
Giữa lòng Thủ đô, đào Nhật Tân trở thành thương hiệu mang nét đặc trưng riêng, một biểu tượng của Hà Nội trong những ngày Tết cổ truyền. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, các tuyến đường dẫn vào “thủ phủ” đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) trở nên đông đúc, nhộn nhịp.
Ở Nhật Tân hiện có nhiều loại đào như: Đào bích, đào phai, đào trắng, đào nụ… với hơn 700 hộ dân gắn bó với nghề. Đào ở đây nổi tiếng với những cánh hoa to, đẹp, sẫm màu và dày cánh mà không nơi nào có được.
Trong đó, có loại đào thất thốn “danh bất hư truyền” thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng. Chính vì vậy, mặc dù thời tiết khá lạnh, nhưng tại các vườn ở làng đào này, người mua người bán không lúc nào ngơi tay, bận rộn với việc cắt, buộc, vận chuyển những cành đào để chơi Tết.
Người Nhật Tân xưa thường bảo nghề trồng đào bạc lắm, sương gió quanh năm mà vẫn nghèo. Nhưng đó là câu chuyện cũ. Nhiều năm trở lại đây, nói đến hoa, người ta bảo đó là một ngành công nghiệp bạc triệu. Người dân tìm đến đây như một thú vui của ngày Tết và tràn đầy mong muốn sẽ rinh về nhà được cành đào ưng ý.
Để đảm bảo nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, hơn hai tháng trước Tết, các chủ vườn đào ở Nhật Tân đã rục rịch thuê người tuốt lá, lên chậu cho cây. Năm nay, các dáng đào huyền, cành cong vẫn tiếp tục được người chơi ưa chuộng. Các cây vừa có giá dao động từ 1 – 3 triệu đồng, có cây 50 – 80 triệu đồng thậm chí có cây vài trăm triệu đồng tùy dáng, thế và đường kính của gốc đào.
Cùng với vườn đào Nhật Tân, tại các vườn quất ở Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ) hương vị Tết cũng đã bắt đầu ngập tràn. Những vườn quất ngút ngàn, quả đều đẹp mắt xếp hàng thẳng tắp đón khách muôn nơi đến thăm vườn từ sớm. Trong thời gian khá dài, người dân Tứ Liên đã chuyển đổi sang trồng quất bonsai, quất thế để phục vụ người tiêu dùng với giá trị tương đối lớn.
Để chuẩn bị cho thị trường cuối năm, chủ vườn bắt đầu ươm trồng ngay từ tháng Giêng, việc chăm quất như chăm con mọn buộc người làm công việc này phải bỏ ra nhiều công sức. Các nhà vườn phải bắt tay vào gò thế quất sớm thì mới mong kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Trong những làn gió Xuân mang hơi ẩm từ sông Hồng thổi về làm sắc hoa, sắc quả trở nên tươi tắn hơn. Vào thời khắc cuối năm này, bao người trồng hoa, trồng quất của Hà Nội hân hoan, vui mừng hứa hẹn cung cấp đủ số lượng phục vụ cho nhu cầu chơi hoa của người dân Thủ đô. Những chiếc xe chuyên dụng luôn sẵn sàng để chở hoa đi bán, dẫu là giữa trưa, xế chiều hay rạng sáng.
Phiên chợ Tết rộn ràng
Theo chân những xe hoa từ nhà vườn dập dìu nối đuôi nhau vào trong phố, chúng tôi dừng chân ở những phiên chợ Tết – chợ nào thức nấy. Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người.
Dù bận đến mấy, mỗi người đều dành thời gian đi chợ Tết, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ.
Vì lẽ đó, mỗi chợ Tết lại mang một vẻ khác nhau. Nếu cần mua đồ cho những ngày lễ hay trang trí cho gia đình, người Hà Nội thường tìm đến Hàng Mã. Tại chợ Đồng Xuân, người dân có thể tìm mua đủ loại hàng hóa, từ hoa quả, các món đồ khô… cho đến quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử và đồ trang sức.
Chợ đào Lạc Long Quân chủ yếu bán và cho thuê các gốc đào, người bán ở đây là người dân làng Nhật Tân nên hoa rất đẹp, bắt mắt, chất lượng. Chợ cây kéo dài từ dốc Bưởi đến đường Hoàng Hoa Thám đã nổi tiếng với việc buôn bán cây cảnh từ lâu…
Một trong những nét độc đáo ở Hà Nội là “chợ Tết phố Hàng” – nơi chuyên bán những sản vật đẹp nhất, ngon nhất. Người bán, người mua tất thảy đều vội vã, nét riêng đó được tạo nên trong niềm vui đón chào một mùa xuân mới.
Trong đó có chợ hoa Hàng Lược từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô. Chợ họp một lần trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp, mang đậm không khí Tết của Hà thành. Con phố cổ dài chưa đến 300m, người người tất bật ngắm nghía thủy tiên, quất, đào.
…Càng về những ngày cuối cùng của năm, chợ Tết sẽ thưa dần bởi các phiên chợ sẽ chấm dứt vào trước giờ Ngọ giao thừa. Thế nhưng ở đó vẫn văng vẳng tiếng cười nói rộn rã chứa đựng niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn khi Xuân về…
Ngân Phương
Nguồn: Báo lao động thủ đô