Hà Nội: Số phận dự án Sky Garden Towers sẽ đi về đâu sau hơn 12 năm bỏ hoang?

(Xây dựng) – Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ Sky Garden Towers (Sky Garden Định Công) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2011. Sau hơn 12 năm, dự án vẫn chỉ là khối bê tông trần trụi, hoang tàn, mất mỹ quan đô thị, khiến khách hàng của dự án rơi vào cảnh bế tắc.

Hà Nội: Số phận dự án Sky Garden Towers sẽ đi về đâu sau hơn 12 năm bỏ hoang?
Dự án Dự án Sky Garden Towers tại địa chỉ số 12, ngõ 115 phố Định Công, quận Hoàng Mai.

Dự án Sky Garden Towers nằm tại địa chỉ số 12, ngõ 115 phố Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích là 7.000m2, quy mô 28 tầng nổi và 2 tầng hầm. Trong đó, tầng 1 là khu sinh hoạt cộng đồng, tầng 2 đến tầng 5 là dịch vụ thương mại, tầng 6 đến tầng 8 là khu văn phòng, tầng 9 đến tầng 28 là khu căn hộ (gồm 360 căn hộ với các loại diện tích 89 – 124m2). Dự án được cấp giấy phép đầu tư tháng 3/2011, cấp phép xây dựng vào cuối năm 2011 và dự kiến hoàn thành, bàn giao cho khách hàng trong quý III/2014.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, khi đã xây dựng được 2 tầng hầm và 7 tầng nổi, thì dự án Sky Garden Towers đã ngừng thi công. Khách hàng của dự án này không hề nhận được một lý do vì sao dự án tạm dừng từ chủ đầu tư.

Được biết, tại Văn bản số 6015/SXD-TTr, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết: Theo phản ánh từ cơ sở, một phần nguyên nhân chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án là do hiện tại cán bộ, nhân viên của Công ty và các cơ quan đơn vị không thể liên hệ được với Giám đốc Công ty TNHH Định Công.

Hà Nội: Số phận dự án Sky Garden Towers sẽ đi về đâu sau hơn 12 năm bỏ hoang?
Cảnh hoang tàn bên trong dự án.

Theo ghi nhận, tại công trường của dự án không có một bóng công nhân, bảo vệ và không hề có hoạt động thi công. Hai tòa nhà là hai khối bê tông hoang tàn, vật liệu xây dựng ngổn ngang, chất đống, những thanh sắt chờ chỏng chơ, hoen gỉ. Cánh cổng đi vào công trường luôn đóng chặt, bên trong khuôn viên dự án, cỏ dại mọc um tùm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sau hơn 12 năm vẫn chưa nhận được căn hộ, hàng trăm khách hàng của dự án này hết sức phẫn nộ. Bởi lẽ, hầu hết trong số họ đều đã đóng trên 40% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư (vào khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng). Đáng nói hơn, nhiều khách hàng phải đi vay tiền từ ngân hàng để đóng tiền mua nhà tại dự án theo tiến độ chủ đầu tư đưa ra, để rồi nhà chưa thấy đâu, nhưng phải cõng các khoản tiền lãi và tiền gốc hàng tháng. Nhiều người rơi vào hoàn cảnh vô cùng bế tắc khi chẳng biết tìm ai để đòi nhà, đòi tiền.

Hà Nội: Số phận dự án Sky Garden Towers sẽ đi về đâu sau hơn 12 năm bỏ hoang?
Vật liệu xây dựng chất đống, nằm ngổn ngang trong dự án, sắt thép công trình bị gỉ sét.

“Người mua nhà tại dự án Sky Garden Towers chỉ mong được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để dự án có thể được xem xét chuyển đổi chủ đầu tư và có thể triển khai xây dựng”, một khách hàng của dự án chia sẻ.

Được biết, tháng 9/2018, tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lâp, Tập đoàn Trường Tiền đã từng phát đi thông báo là chủ đầu tư của nhiều dự án, trong đó có dự án Sky Garden Towers.

Hà Nội: Số phận dự án Sky Garden Towers sẽ đi về đâu sau hơn 12 năm bỏ hoang?
Dự án Sky Garden Towers nằm “bất động” gây lãng phí đất đai và mất mỹ quan đô thị.

Đáng chú ý, liên quan đến Tập đoàn Trường Tiền, Công an Thành phố Hà Nội mới đây đã chuyển vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ông Lê Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Trường Tiền Holdings, đến Công an Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý, điều tra.

Trước đó, cuối năm 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Khánh Trình để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quyết định, lệnh trên được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Theo cơ quan Công an, ông Trình đã có hành vi đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền lớn thông qua việc ký hợp đồng tự nguyện góp vốn đầu tư dự án.

Liên quan đến dự án Sky Garden Towers, theo báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội ban hành, tính đến hết tháng 5/2021, chủ đầu tư dự án còn nợ số tiền gần 160 tỷ đồng, trong đó hơn 71 tỷ đồng là tiền sử dụng đất chưa nộp và gần 89 tỷ đồng tiền chậm nộp. Số tiền nợ chậm nộp này được cơ quan chức năng liệt vào hàng khó thu. Cơ quan thuế đã mời đơn vị đến làm việc nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Vì sự “chây ì” hoàn thành nghĩa vụ tài chính này, cơ quan chức năng đã phải chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích