Nhà mới với vật liệu cũ

Nhà mới với vật liệu cũ

Theo đuổi xu hướng hoài cổ, nhiều người trưng dụng vật liệu cũ để xây dựng, làm lại căn nhà mới. Nếu biết cách sử dụng, thì cũ mà vẫn đẹp, không hề lạc hậu, cũ mà vẫn bền và cũ mà… mới.

tm-img-alt

Trước một căn nhà nhỏ tường xây gạch mộc, mái tranh, một người bạn của tôi kể về câu chuyện “đấu tranh” tâm lý khi làm căn nhà tựa như homestay để nghỉ dưỡng. Bạn kể: “Khi mà mình cùng vợ bàn chuyện làm nhà, tham khảo thì thấy có rất nhiều loại vật liệu mới, công nghệ cao đã ra đời với nhiều tính năng kỹ thuật ưu việt.

Bê tông, kính, thép, inox, gạch ceramic trơn phẳng, chất liệu nhựa composite… đều được liệt kê ra. Hiện đại có vẻ đẹp của hiện đại, nhưng rồi cả hai quyết định tìm về với những vật liệu, chất liệu của ngày xưa và hồi tưởng về những không gian hoài niệm để tâm hồn có thể bình yên nhất”.

Có một giai đoạn, người ta trưng dụng vật liệu cũ để xây dựng, sửa sang nhà cửa vì mục đích tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, trong xã hội ngày càng hiện đại, việc làm nhà mới, quán cà phê, quán ăn mới… bằng vật liệu cũ lại trở thành một xu hướng.

Không khó để thấy trong nhiều ngôi nhà ở, nhà hàng, quán cà phê được làm bằng các loại vật liệu, đồ nội thất… một thời bị “chê” là cũ, như: gạch bông xi măng, gạch gốm không men, gạch hoa đất nung, khung cột bằng gỗ, tre; mái lợp ngói cũ, lợp lá; các loại vật liệu đá sỏi tự nhiên… Nhiều mô-típ trang trí cũ và cách thức xây dựng được sử dụng lại theo các loại vật liệu đó, như ốp đá tự nhiên, xây gạch trần không trát, gỗ mộc không sơn… Đáng chú ý là trong việc thi công, để sử dụng tốt các loại vật liệu cũ đi cùng kiến trúc phù hợp, kỹ thuật xây dựng không hề đơn giản, đòi hỏi sự tinh tế ở bàn tay người thợ.

Nhu cầu của nhiều gia chủ đang được thị trường đón nhận. Hiện nay, tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn có các cửa hàng thu mua và bán lại các vật liệu cũ trong xây dựng.

Các vật liệu cũ sử dụng được vô cùng phong phú, gồm cả đồ gỗ, cửa gỗ, cầu thang, bàn ghế, đồ kim loại, thiết bị vệ sinh, đồ dùng nội thất… Tất cả đều được thu gom, mua lại từ các “xác” nhà, rồi chủ cửa hàng đem ra sửa sang để tái sử dụng, phân loại rõ ràng giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa. Với chất lượng không thua kém nhiều so với sản phẩm mới, vật liệu xây dựng cũ được những gia chủ yêu thích phong cách trở về với hoài niệm “tậu” về.

KTS. Nguyễn Trần Đức Anh cho rằng, bản thân kiến trúc cũng có tính thời trang, chịu ảnh hưởng của tâm lý và tâm thế xã hội. Trên đà phát triển chung, song kiến trúc cũng có những “mốt” trong từng thời kỳ, và có sự quay vòng, hồi khứ. Có những phong cách kiến trúc (đi cùng các loại vật liệu tương ứng) đã qua hàng chục năm, lại được đón nhận, ưa chuộng và trở thành trào lưu mới.

Và vì vậy, xu hướng hoài cổ đã làm cho việc sử dụng vật liệu cũ thành một nhu cầu, không chỉ đơn thuần là tiết kiệm nữa. Vật liệu cũ ngoài một phần được tái sử dụng từ công trình cũ nguyên bản, còn có những vật liệu được sản xuất mới, với nguyên lý, kiểu dáng, chất liệu… cũ.

Bên cạnh nhiều kiến trúc hiện đại, thì ngày càng nhiều những kiến trúc với các phong cách cũ xuất hiện, với thiết kế và cách thức thi công khoa học hơn. Phong cách kiến trúc nhiệt đới, kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian truyền thống… được thể nghiệm lại ở một thời đại mới, với nhiều công nghệ mới.

Ở những công trình này, dẫu có máy lạnh hay thiết vị vệ sinh xịn nhất, thì có một số loại vật liệu vẫn cứ phải là kiểu cũ. Hay, những cánh cửa cũ, chiếc kệ, tủ cũ được đưa vào trang trí ở căn nhà với thiết kế phù hợp tạo ra phong cách hoài cổ.

Qua bàn tay giàu kinh nghiệm của các kiến trúc sư, vật liệu cũ có thể là “chất liệu” gợi cảm hứng cho sáng tạo. Và, tùy vào sở thích của gia chủ mà từ những vật liệu cũ có thể làm nên một ngôi nhà mới ai ngắm cũng phải khen.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích