Hội thảo Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: “Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”
(Xây dựng) – Nhận thức và phản ánh rõ vai trò quan trọng từ tác động chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn của doanh nghiệp trong chủ trương phát triển bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch, chiều 30/1, Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính”. Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) – là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nhập khẩu nhiên liệu LNG.
Tham dự hội thảo có: PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng; TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam; Đào Nhật Đình Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam…
Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng khẳng định: Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C vào cuối thế kỷ này.
Hiện nay, thị trường sử dụng chủ yếu của khí thiên nhiên sẽ là những nhà máy sản xuất điện, nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy sản xuất điện LNG. Cạnh đó, LNG cũng sẽ được sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ… Hiện trên thế giới cũng đã hình thành nên những tuyến đường vận chuyển LNG từ nơi sản xuất cho đến nơi tiêu thụ. LNG phân bố trữ lượng không đồng đều, ví dụ trữ lượng nhiều như khu vực Trung Đông, Nga… bên cạnh đó có những nơi trữ lượng thấp như châu Âu.
TS. Nguyễn Hữu Lương – Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam khái quát việc ứng dụng của khí LNG trong ngành Công nghiệp, Logistic, Xây dựng… |
TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa trong việc giảm phát thải khí nhà kính, yêu cầu giảm phát thải: Việc giảm phát thải phải bắt nguồn từ bả thân mỗi người. Trong đó có môi trường sinh thái. Giảm phát thải khí nhà kính cũng là một khía cạnh của phát triển. Việt Nam là 1 trong 5 nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ô nhiễm không khí xếp hạng 36/177 quốc gia vùng lãnh thổ. Nếu không thay đổi, tới năm 2050 GDP sẽ giảm 10-15%; yêu cầu từ môi trường kinh doanh bên ngoài: Yêu cầu từ các nước nhập khẩu về chứng chỉ sản xuất sạch (CRAM) với xi măng, phân bón, điện, hydrogen, sắt thép…
Theo ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, các điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ hay chìa khóa để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII là: Các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; Cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện; Đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách, tới triển khai thực hiện; Hợp tác quốc tế sâu rộng; Cần thiết có một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội cho lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện khí LNG.
Tham gia phần tọa đàm tại Hội thảo các chuyên gia các chuyên gia: TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Ông Đào Nhật Đình – Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tập trung trao đổi về các nhóm giải pháp liên quan tới Quy hoạch điện VIII của Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng cảm ơn các nhà chuyên môn tham gia Hội thảo và chia sẻ những thông tin liên quan tới chủ đề “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”. Nội dung hội thảo đã đề cập tới một số ứng dụng của khí thiên nhiên hóa lỏng, nhiều vấn đề ý nghĩa của phát thải khí nhà kính, các khó khăn thách thức và các giải pháp thực hiện mục tiêu điện khí LNG theo quy trình, Quy hoạch điện VIII…
Kiến Tài
Nguồn: Báo xây dựng