Cảnh báo nguy cơ lừa đảo đổi tiền online dịp Tết Nguyên Đán

Các trang mạng xã hội đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều hội nhóm quảng cáo “dịch vụ đổi tiền lẻ” với lời mời chào hấp dẫn. Những hội nhóm này không chỉ có quy mô lớn, thậm chí lên đến hàng chục ngàn thành viên, mà còn cam kết cung cấp đủ loại tiền mới, đầy đủ tờ, nguyên serie, có thể giao hàng nhanh với chi phí rẻ. Thậm chí, có thể chọn tiền số đẹp để làm quà tặng sinh nhật, lì xì người yêu dịp Tết.

Cảnh giác khi đổi tiền online trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, tiêu biểu là trường hợp của chị Vũ Minh Thư tại Đống Đa, Hà Nội. Thông qua một hội nhóm Facebook chuyên đổi tiền nước ngoài và tiền mới phục vụ dịp Tết, chị đã tìm đến chủ shop chuyên nhận đổi tiền có tên tài khoản Tuấn Nguyễn với mức phí đổi tiền là 4% và yêu cầu chị Thư phải đặt cọc trước 1 triệu đồng để đảm bảo. Sau lần một giao dịch thành công, chị tiếp tục được chủ tài khoản có tên Tuấn Nguyễn yêu cầu chuyển tiền để giao dịch nốt 5 triệu đồng tiền mới còn lại. Chị ngay lập tức chuyển đủ số tiền cần giao dịch, nhưng sau đó chủ tài khoản Tuấn Nguyễn đã chặn mọi liên lạc với chị và khóa tài khoản mạng xã hội. 

Dù câu chuyện lừa đảo đổi tiền qua mạng đã được nhiều người chia sẻ và cảnh báo, song do nhu cầu của người dân nên dịch vụ này vẫn “ăn nên làm ra” mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Liên quan đến hoạt động thu phí đổi tiền, Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ: chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Luật sư Ngô Quí Linh – Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Mai Đăng Khang cho biết, đổi tiền mới trong dịp Tết do mọi cá nhân, tổ chức, kể cả ngân hàng đều có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Theo đó, hành vi đổi tiền không đúng quy định pháp luật có thể bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng.

Về phía cơ quan quản lý, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị “bùng” tiền đặt cọc.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích