Giá sầu riêng tăng kỷ lục ngày giáp Tết

Sầu riêng tới kỳ thu hoạch trong vườn của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). 
Sầu riêng tới kỳ thu hoạch trong vườn của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). 

Nông dân Nguyễn Văn Chính ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết, ông vừa bán cho thương lái khoảng 4 tấn sầu riêng giống Ri6 với giá 130.000 đồng/kg, thu 520 triệu đồng. Theo ông Chính, những ngày giáp Tết sầu riêng tăng giá mạnh giúp nông dân có lợi nhuận lớn so các năm trước đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chính cũng dự đoán nguồn cung trong dân không nhiều trong khi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đang rất lớn,

Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ, những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mong Thong tại vườn giá 160.000 – 170.000 đồng/kg, sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 125.000 – 135.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần gấp ba cùng kỳ năm trước

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, với giá này, mỗi héc ta sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay cho nông dân lợi nhuận ròng từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng.

Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, giá sầu riêng tăng mạnh trong những ngày giáp Tết nhờ là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của quốc gia nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đặc biệt, sầu riêng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang mang lại niềm vui chung cho nông dân trồng chuyên canh sầu riêng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, việc được xuất khẩu chính ngạch là lợi thế giúp sầu riêng trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhất, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Do vậy, dư địa còn nhiều mà các cấp, các ngành và đơn vị xuất khẩu cần tận dụng cơ hội khai thác, giúp phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng, thúc đẩy đổi mới nông nghiệp – nông dân – nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh hiện có trên 20.000 ha sầu riêng chuyên canh, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành… với sản lượng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước nói chung.

Trước mắt, tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi chia sẻ, để phát huy tiềm năng và lợi thế ngành hàng nông sản xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành chức năng khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, thu hút ngoại tệ để tiếp tục đầu tư phát triển.

Mặt khác, Tiền Giang còn chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt là xử lý rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá.

Thông thường, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân xử lý rải vụ vườn sầu riêng và sẽ cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi đánh giá, nhờ các giải pháp điều hành xuất khẩu mang lại hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong tháng 1/2024 đã kéo theo việc giải quyết đầu ra nông sản chủ lực của tỉnh như: gạo, trái cây, thủy sản… hết sức thuận lợi, giá tăng cao, nông dân thu lợi nhuận lớn.

Theo đó, trong tháng 1/2024, Tiền Giang xuất được trên 1.200 tấn rau quả các loại,  kim ngạch đạt khoảng 3 triệu USD, tăng hơn 71% về lượng và tăng hơn 107% về trị giá so với cùng kỳ.

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tiếp tục nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình xuất khẩu, nhất là diễn biến nóng tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, góp phần giải quyết đầu ra cho trái cây nói chung và trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang nói riêng.

Hoạt động này cũng giúp nông dân vùng chuyên canh an tâm tổ chức sản xuất, thâm canh cho ra nông sản hàng hóa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhất là vào thời điểm tháng 3, tháng 4 sắp tới, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng Tiền Giang sẽ bắt đầu vào một đợt thu hoạch mới với kỳ vọng sẽ trúng mùa, bội thu.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích