Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/2/2024
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/2/2024
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 1/2/2024 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào Tết Nguyên đán
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 7-8/2, một đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, miền Bắc chuyển mưa nhỏ rải rác. Từ 8/2, miền Bắc có khả năng chuyển rét, có nơi rét đậm.
Từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, khoảng 8/2 có mưa, mưa rào rải rác; trời chuyển rét.
Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, miền Bắc đón rét, nhiều nơi xuất hiện rét đậm.
Trước mắt, từ 2-6/2, Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ cao nhất lên tới 26-28 độ. Riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 2-3/2, đêm và sáng sớm có mưa phùn và sương mù rải rác, trời rét.
Cũng thời gian này, từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Các khu vực khác từ Thừa Thiên Huế trở vào duy trì đêm không mưa, ngày nắng, Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Theo bảng dự báo trên, thời tiết thủ đô Hà Nội trong hai ngày 2-3/2 tiếp tục có sương mù, mưa phùn, nhiều mây, nhiệt độ trong ngày dao động từ 19-25 độ.
Từ 4-7/2, Hà Nội duy trì có mây, không mưa, riêng 5/2 có thể có mưa rào, nhiệt độ thấp nhất 17-19 độ, cao nhất 25-27 độ.
Từ ngày 8/2, khi không khí lạnh tràn về, trời có mưa rào và nhiệt độ khu vực giảm mạnh với mức cao nhất từ 27 độ còn 19 độ.
Trong 2 ngày 9-10/2 (tức 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết), Hà Nội không mưa, trời rét đậm với nhiệt độ trong ngày dao động từ 14-17 độ.
Trước đó, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm cũng nhận định, thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại.
Lần đầu tiên Hà Nội có tuyến đường dành riêng cho xe đạp
Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa, từ đường dành cho người đi bộ, thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung).
Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, chiều rộng 3 m, bố trí phía sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1m, bố trí phía đường Láng.
Theo ông Đỗ Bá Quân, làn đường dành cho xe đạp tuyến sông Tô Lịch đã được ưu tiên để xây dựng làn đường riêng cho xe đạp trước. Sau đó sẽ nhân rộng sang những tuyến khác đủ điều kiện về hạ tầng như ở làn đường quanh công viên Hòa Bình – đường Hoàng Minh Thảo và tiếp sau đó là các tuyến khu vực Thanh Xuân, Nam Từ Liêm,…
Làn đường dành cho xe đạp tuyến sông Tô Lịch có chiều dài 2.300m, rộng 4m, dự kiến được cải tạo thành làn đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Đây là tuyến đường dọc sông Tô Lịch, kết nối Ga Lê Hồng Phong với Ga số 8 của đường sắt đô thị Hà Nội. Đồng thời trên tuyến cũng kết nối với 11 tuyến xe bus.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, tuyến xe đạp ưu tiên này có điểm khác là toàn bộ các điểm đều đặt ở gần các trạm xe buýt, đồng thời phục vụ kết nối ga Láng (đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông) và Ga số 8 của tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội. Việc tuyến đường này được triển khai sẽ đem lại hiệu quả vượt bậc trong việc kết nối, hỗ trợ giữa hai tuyến metro.
“Trên tuyến này chúng tôi bố trí 7 vị trí xe đạp công cộng, kết nối giữa đường đi xe đạp với các tuyến xe bus, đường sắt đô thị. Trong thời gian tới Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp các ban ngành, địa phương rà soát các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để những tuyến đủ điều kiện sẽ tiếp tục tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp; Tạo thói quen cho người dân Thủ đô sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường cũng như góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông”, ông Bảo đánh giá.
Đây là tuyến đường ưu tiên đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, nhằm đảm bảo thói quen cho người dân sử dụng vận tải công cộng nói chung cũng như là sử dụng phương tiện xe đạp công cộng nói riêng. Kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe bus, xe đạp. Đây cũng là tuyến xe đạp tạo thói quen cho người dân Thủ đô sử dụng phương tiện xanh.
Hải Phòng: Cháy lớn trong đêm, 3 mẹ con thiệt mạng
UBND xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) vừa có báo cáo nhanh về vụ cháy thương tâm xảy ra trên địa bàn thôn 2 của xã.
Cụ thể, vụ cháy xảy ra tại căn nhà trọ của gia đình anh Nguyễn Hữu D. (sinh năm 1982) ở thôn 2 xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo. Anh D. quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, thuê nhà của ông Hoàng Đình Tíu, là người địa phương.
Vào khoáng 3 giờ sáng ngày 01/2/2024, người dân di qua khu vực trên phát hiện có lửa cháy phát ra trong nhà anh D. liền hô hoán bà con xung quanh cứu cháy, đồng thời cấp báo lên công an xã và chính quyền địa phương.
Ngay sau khi nhận được tin báo, địa phương đã liên hệ lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an huyện Vĩnh Bảo nhờ hỗ trợ và nhanh chóng có mặt tại hiện trường, khẩn trương tham gia chữa cháy.
Tuy nhiên, do ngọn lửa bùng phát nhanh, lan rộng khắp căn nhà, đến khoảng 4 giờ, đám cháy cơ bản đã được dập tắt.
Thiệt hại ban đầu được cơ quan chức năng xác định, thời điểm xảy cháy, trong nhà có 4 mẹ con đang ngủ. Con gái lớn là cháu Ng. Ph. Th. Tr. (sinh năm 2008) nghe thấy tiếng hô hoán nên tỉnh dậy và gọi mẹ. Do bản thân đã bị bỏng rát và ngạt thở, cháu Tr. vội tìm cách thoát được ra cửa sau của căn nhà và được đưa đi cấp cứu tại Đa khoa Nam Am.
Ba mẹ con chị Ph. Th. X. (sinh năm 1981), bé trai Ng. H. Th. Đ. (sinh năm 2016) và bé gái Ng. Ph. Ng. D. (sinh năm 2018) không kịp thoát ra và tử vong tại chỗ.
Được biết, gia đình anh D. có 5 thành viên, thời điểm xảy ra cháy, anh D. đang đi làm ca đêm, không có mặt ở nhà.
Hiện, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy và hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho 3 mẹ con chị X.
Giá xăng tăng gần 800 đồng/lít từ 15h hôm nay
Chiều 1/2, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h cùng ngày.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước), không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa.
Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện việc trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut và không trích lập và không chi quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu khác, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 22.913 đồng/lít (tăng 742 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.247 đồng/lít;
Xăng RON95-III: không cao hơn 24.160 đồng/lít (tăng 753 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.999 đồng/lít (tăng 623 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu hỏa: không cao hơn 20.923 đồng/lít (tăng 379 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.087 đồng/kg (tăng 593 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Theo Liên Bộ Tài chính – Công Thương, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 5 đợt điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định 80/NĐ-CP. Trong đó có 1 phiên giảm và 4 phiên tăng liên tiếp.
Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung 3 điểm bắn pháo hoa dịp Tết
Thành phố Hồ Chí Minh tăng số điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ 8 điểm lên 11 điểm, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khu vực ngoại thành.
Đây là thông tin được ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 1/2024 của UBND Thành phố, ngày 1/2.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố lên danh sách 9 điểm bắn pháo hoa tầm thấp và hai điểm bắn tầm cao. Trong đó, hai điểm bắn pháo hoa tầm cao được bố trí tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) và Đền tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi).
Chín điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm: Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Khu truyền thống Cách mạng Mậu Thân (huyện Bình Chánh), Quảng trường Trung tâm Hành chính Quận 7, Khu dân cư Bình Trị Đông (quận Bình Tân), Khu vực Nhà Văn hóa huyện Củ Chi, Đền Bến Nọc (thành phố Thủ Đức) và Công viên Văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp).
Theo ông Trần Thế Thuận, theo một số quy định mới, các quận, huyện được phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức các điểm bắn pháo hoa tầm thấp. Do đó, Thành phố đã phối hợp, đề xuất tăng một số điểm bắn pháo hoa nhằm ứng nhu cầu vui chơi, ngắm pháo hoa cho người dân khu vực ngoại thành mà không cần di chuyển quá xa vào trung tâm Thành phố. Các điểm bắn pháo hoa tầm thấp do các quận, huyện chủ động về kinh phí và không sử dụng ngân sách.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị