Chính thức thành lập Ban Quản lý Hồ Tây
Chính thức thành lập Ban Quản lý Hồ Tây
UBND quận Tây Hồ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Hồ Tây theo quyết định số 178/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Sáng 31/1, UBND quận Tây Hồ tổ chức Lễ ra mắt “Ban Quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ”. Ban Quản lý Hồ Tây là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ để quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.
Theo đó, Ban Quản lý Hồ Tây là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ quản lý Hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND Thành phố.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.
Tại Lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây, đồng chí Lê Thị Thu Hằng – Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận sẽ giúp cho UBND quận triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 02 của UBND Thành phố về ban hành “Quy định quản lý và khai thác Hồ Tây”.
Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với diện tích mặt nước rộng lớn tới 526ha, xung quanh hồ có 71 di tích văn hóa, lịch sử như: Chùa Trấn Quốc, Chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ… Bên Hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy gió ở An Thái Bưởi, làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An… Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và khai thác thế mạnh Hồ Tây đã được các cấp quan tâm chỉ đạo thường xuyên.
Việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây là dấu mốc quan trọng trong bước chuyển giao Hồ Tây về cho quận Tây Hồ quản lý thay vì 8 sở ngành cùng quản lý như trước đây. Đây cũng được xem là kỳ vọng và tiền đề cho quận Tây Hồ khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận góp phần xây dựng quận là Trung tâm văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị