Việt Nam cần nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch

Việt Nam cần nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch

Hệ thống y tế Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng: dân số già đi nhanh chóng, mô hình bệnh tật đang thay đổi – bao gồm cả gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng – cũng như nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Ngày 30/1, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp đầu năm nhóm đối tác y tế. Tại đây, bà Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có bài phát biểu về hệ thống y tế Việt Nam hiện nay. 

Theo đó, bà Angela Pratt cho rằng hệ thống y tế Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng: dân số già đi nhanh chóng, mô hình bệnh tật đang thay đổi – bao gồm cả gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng – cũng như nền kinh tế đang phát triển nhanh, tất cả đều tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ y tế có chất lượng.

Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan, lao và sốt rét vẫn là thách thức bệnh tật lớn mà nhiều người dân phải đối mặt. Biến đổi khí hậu đang có tác động to lớn và ngày càng tăng đối với ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh đó, những rủi ro đối với an ninh y tế vẫn là mối đe dọa luôn hiện hữu.

tm-img-alt
Bà Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp đầu năm nhóm đối tác y tế do Bộ Y tế tổ chức.

“Đây là giai đoạn đầy gian nan thử thách với những cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế”- bà Angela Pratt nói. Tuy nhiên bà cũng cho rằng có bốn điểm sáng – là các lĩnh vực mà ‘chúng tôi tin rằng đã có những tiến bộ quan trọng trong 12 tháng qua và tiềm năng có thể vươn xa hơn nữa với những nỗ lực chung tay từ phía Chính phủ cùng các đối tác trong năm nay‘.

Đầu tiên, về khía cạnh tài chính y tế bền vững:

Theo bà Angela Pratt, Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi nhằm mục đích tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo hiểm và hướng tới tăng tỷ lệ bao phủ từ mức đã rất ấn tượng hiện nay là hơn 93% dân số.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng với mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, vẫn còn rất nhiều việc cần làm trong lĩnh vực tài chính y tế. Các lĩnh vực cần chú trọng hơn nữa bao gồm chuyển đổi sang tài trợ đầy đủ cho tất cả các dịch vụ y tế công cộng thiết yếu từ các nguồn tài trợ trong nước; giảm tỷ lệ thanh toán từ tiền túi (đang ở mức cao trong khu vực); và đưa ra các biện pháp khuyến khích phù hợp để giảm bớt áp lực quá tải đối với bệnh viện.

Điều này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực thứ hai là chăm sóc sức khỏe ban đầu hay y tế cơ sở:

Bà Angela Pratt nhấn mạnh: Chỉ thị 25 của Ban Bí thư và Nghị quyết 99 của Quốc hội được ban hành trong năm 2023 là những văn bản quan trọng nhằm phục hồi và củng cố hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam.

“Xã hội khỏe mạnh là một xã hội trong đó mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu mọi lúc, mọi nơi. Tôi tin tưởng tất cả các đối tác phát triển đều có chung tầm nhìn này, và chúng tôi mong muốn đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đó trong những năm tới”- bà Angela Pratt nói.

Thứ ba, biến đổi khí hậu và sức khỏe:

Cho rằng ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, bà Angela Pratt nhấn mạnh nội dung này tiếp tục là trọng tâm cho những nỗ lực chung của nhóm đối tác phát triển và ngành y tế.

Điểm cuối cùng, bà Angela Pratt nhấn mạnh đó là cần nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch:

Theo bà Angela Pratt mặc dù trong năm 2023, WHO đã chính thức thông báo COVID-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, nhưng tất cả chúng ta đều biết đây không phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cuối cùng và là khi nào sẽ xảy ra đại dịch tiếp theo. Do đó, chúng ta cần phải chủ động các biện pháp phòng chống đại dịch.

Cho rằng Việt Nam đã chuyển đổi sang cơ chế “quản lý bền vững” dịch bệnh COVID-19 rất thành công, nhưng bà Angela Pratt lưu ý: “chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để đảm bảo đầy đủ năng lực và thể chế để phòng ngừa, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, để đảm bảo rằng Việt Nam luôn ở thế chủ động khi xảy ra đợt bùng phát dịch hoặc đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích