Xây dựng quy chuẩn xe đưa đón học sinh – Quản lý chặt chẽ đảm bảo an toàn
Trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh. Năm 2023, đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Xe đưa đón học sinh tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: Báo QĐND
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, ngày 21 tháng 12 năm 2023.
Trong đó, Chỉ thị 31/CT-TTg có yêu cầu, các trường học phải rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh.
Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.
Bộ Giao thông vận tải được giao nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh bằng xe buýt chuyên dụng. Bộ có chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện công cộng và xe buýt chuyên dụng.
Mới đây, theo đề nghị của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô ký hiệu QCVN 09:2024/BGTVT thay thế QCVN 09:2015 đã áp dụng được 8 năm và phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi.
Một trong những nội dung đang gây chú ý đó là việc quy định chi tiết đối với các xe chở học sinh, lấy tham chiếu tiêu chuẩn của loại xe này ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo dự thảo, tất cả những xe đưa đón học sinh sẽ phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học.
Mã xe chở học sinh phải được đánh số và được đặt ở các vị trí xung quanh xe. Mặt sau xe phải có biển báo điện hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
Cùng rất nhiều quy định rõ ràng cụ thể về kỹ thuật như tín hiệu cảnh báo còn học sinh trên xe, camera giám sát bên trong xe, hàng ghế chuyên dụng. Đây là những nội dung rất chi tiết và hướng đến sự an toàn của học sinh.
Mặc dù quy chuẩn này được đánh giá là có lợi ích lớn trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh, tuy nhiên cũng có không ít nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Đặc biệt là quy định về màu sơn và còi xe. Thống kê hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.100 xe ô tô đưa đón học sinh. Nhưng đây chỉ là số phương tiện hoạt động có ký kết với nhà trường. Nếu bắt buộc xe chở học sinh phải có màu sơn riêng không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp mà còn tạo áp lực chi phí cho cả cho gia đình học sinh.
Việc sơn xe đưa đón học sinh sang màu vàng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa
Còn với quy định bắt buộc phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp khi có học sinh bị bỏ quên trên xe trong thời gian không quá 15 phút cũng cỏn nhiều ý kiến khác nhau .
Giải thích rõ hơn về vấn đề tốn kém chi phí, ông Đặng Ngọc Khương, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh cho biết, đã là xe sơn đồng màu nó sẽ nảy sinh ra một vấn đề là tất cả xe đưa đón học sinh này sẽ phải chi phí tối thiểu từ 50 đến 70 triệu đồng để sơn lại cái màu theo cái dự thảo đó. Và điều quan trọng hơn nữa là doanh nghiệp lại phải đổi một cái giấy phép để xin phép thay đổi thiết kế xe, cộng thêm ghế chuyên dụng, đèn còi đặc trưng riêng. Để mà đạt được cái mong muốn đó thì rất khó khả thi vì điều này liên quan đến kinh tế. Hiện nay, một học sinh để sử dụng dịch vụ xe buýt đưa đón chỉ mất hơn 1 triệu 1 tháng, nhưng nếu làm đúng như những gì dự thảo mong muốn thì sẽ phải mất gấp 3 lần chi phí.
Bên cạnh đó, xe đưa đón học sinh cũng cần đi làm thêm vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật, chứ không chỉ đi đưa đón học sinh nên bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư sẽ không có lợi cho doanh nghiệp, do đó họ sẽ rất hạn chế.
Tuy nhiên về phía các chuyên gia và nhà trường lại cho rằng, cũng giống như xe cứu thương hay xe cứu hỏa, màu sắc đặc trưng giúp người đi đường nhận ra ngay và chủ động nhường đường. Xe bus đưa đón học sinh đã có thông lệ sử dụng màu sắc riêng, nhận diện đặc trưng, được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc áp dụng quy định này cũng như có hướng dẫn thống nhất về phương thức hoạt động của loại hình vận tải này tại nước ta là tất yếu cần phải làm và sẽ đem lại sự an toàn hơn cho các em nhỏ.
Bà Hoàng Phương An, Hiệu trưởng trường tiểu học Phenikaa, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cũng thấy rằng nó sẽ tạo ra sự an toàn hơn cho học sinh. Và nếu như tiến tới việc nhận diện thương hiệu riêng đó mà xây dựng được các hệ thống xe đưa đón mà quy chuẩn cho đối tượng học sinh mầm non, tiêu học hay trung học thì tôi nghĩ là rất tuyệt vời. Nếu như có những cái chế tài hợp lý, và sự ưu tiên cho lứa tuổi nhỏ thì với sự đồng lòng đồng sức của xã hội phương án đó có thể khả thi”.
Sự thay đổi như dự thảo đề xuất là cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà trường cũng cho rằng cần có phương án tổ chức thí điểm ở một số địa phương, khu vực có người dân thu nhập cao, hạ tầng giao thông có đủ điều kiện để áp dụng các quy định mới. Đồng thời cũng chưa nên áp dụng đồng bộ các quy định, đặc biệt là về quy chuẩn phương tiện để tránh gây xáo trộn, thay đổi đột ngột trong hoạt động đưa đón học sinh. Qua đó, từng bước thay đổi để kiểm soát và quản lý hoạt động vận tải hành khách đặc thù này. Tạo sự an toàn và thuận lợi hơn cho học sinh trên đường tới trường.
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô đang chứng kiến sự chú ý và thảo luận sâu rộng từ cộng đồng, và việc xây dựng quy chuẩn xe đưa đón học sinh sẽ tiếp tục là một chủ đề quan trọng trong quá trình hoàn thiện và ban hành quy chuẩn này, với mong muốn đảm bảo an toàn và tiện ích cho tất cả các học sinh trong cả nước.
Duy Trinh (t/h)