Slovakia: Tái chế đầu lọc thuốc lá làm nhựa đường

Slovakia: Tái chế đầu lọc thuốc lá làm nhựa đường

Công ty Quản lý rác thải đô thị Odvoz a Likvidácia Odpadu (OLO) của TP Bratislava, nằm ở vùng Tây Nam Slovakia, vừa công bố kế hoạch thu gom và tái chế đầu lọc thuốc lá thành nhựa đường.

Không phải túi nylon hay chai lọ nhựa… chất thải nhựa ô nhiễm nhất hành tinh lại chính là đầu lọc thuốc lá.

Khoảng 6.000 tỷ cây thuốc lá được sản xuất mỗi năm và 90% trong số chúng chứa đầu lọc nhựa, những đầu lọc này có tác dụng giữ chất độc lại. Khoảng 2/3 trong số đó sau khi dùng được thải ra môi trường và trôi vào cống thoát nước, vào sông, suối, ra biển, gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm.

Thuốc lá đã qua sử dụng gây ra vấn đề cho môi trường vì chúng thải ra các chất độc hại có thể làm ô nhiễm nước, đất và hệ sinh thái. Ước tính, chỉ có 1/3 số tàn thuốc lá trong số 18 tỷ điếu thuốc được hút mỗi ngày trên toàn thế giới được vứt vào thùng rác hoặc thùng tái chế.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn con người vứt đầu lọc thuốc lá ra môi trường đang là vấn đề hết sức nan giải.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Theo đó, Công ty Quản lý rác thải đô thị Odvoz a Likvidácia Odpadu (OLO) của TP Bratislava, nằm ở vùng Tây Nam Slovakia, vừa công bố kế hoạch thu gom và tái chế đầu lọc thuốc lá thành nhựa đường để làm đường đi bộ.

Trong năm nay, OLO sẽ đặt các thùng chứa được thiết kế đặc biệt để đựng mẩu thuốc lá bị vứt bỏ tại các sự kiện công cộng.

Theo Euronews, phối hợp với Hội đồng TP Bratislava, các công ty SPAK-EKO và EcoButt, OLO sẽ tái chế các đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng thành sợi đặc biệt, sau đó vật liệu này có thể được chế tạo để trở thành chất phụ gia sản xuất nhựa đường.

Dự án không chỉ giúp giải quyết được hàng tỷ số lượng rác thải đầu lọc thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm, mà còn giúp khắc phục hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” đang trở nên phổ biến tại nhiều thành phố lớn.

Trước đó, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) của Austraila, do Tiến sĩ Abbas Mohajerani cũng đã công bố một nghiên cứu mới về việc tái chế dầu lọc thuốc lá thành nguyên liệu để xây dựng đường sá.

Nghiên cứu đã cho thấy rằng hỗn hợp nhựa đường khi được thêm vào “chất phụ gia” là các mẩu đầu lọc thuốc lá đã qua xử lý có thể giúp các con đường tăng cường khả năng chịu tải, và giảm tính dẫn nhiệt.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích