Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/1/2024

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/1/2024

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 29/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Bắc Kạn: Số gia súc chết rét tiếp tục tăng

Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài, một số huyện tiếp tục xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 23-29/01, trên địa bàn tỉnh đã có 38 con trâu, bò, dê chết rét.

tm-img-alt
Thời điểm rét hại, gia súc là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc cẩn thận.

Các địa bàn có số vật nuôi bị chết do rét gồm: Ngân Sơn 14 con, Bạch Thông 10 con, Ba Bể 06 con, Na Rì 04 con, Chợ Mới 02 con, Pác Nặm 01 con. Nguyên nhân gia súc chết rét là do nhiều địa phương còn thả rông vật nuôi lên rừng, không che chắn, chăm sóc cẩn thận dẫn đến giảm sức đề kháng ở vật nuôi, cộng với thời tiết trên các vùng núi cao khắc nghiệt, nhất là những đối tượng như bê, nghé vài tháng tuổi dễ bị tác động trực tiếp tới sức khỏe.

Thời tiết rét đậm, rét hại thời gian tới có thể còn tiếp diễn, tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông, lâm nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, bà con cần tăng cường cập nhật, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp bảo vệ từ xa, từ sớm để tránh những thiệt hại, rủi ro.

Phụ nữ TP Bắc Giang phát động trồng, vệ sinh môi trường đón Xuân Giáp Thìn

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Bắc Giang phối hợp với UBND xã Song Mai tổ chức phát động trồng cây nhớ ơn Bác Hồ – Xuân Giáp Thìn, hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; ra quân vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. 

Với tinh thần “Mỗi hội viên phụ nữ một cây xanh – Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh”, tại đây, lãnh đạo Hội LHPN TP phát động chương trình “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân TP Bắc Giang. Đồng thời, đề nghị ngay sau lễ phát động, 100% cơ sở hội tổ chức trồng cây xanh từ ngày 27/1 đến 30/3/2024 và ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các thôn, tổ dân phố vào 3 đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. 

tm-img-alt
Các đại biểu và hội viên phụ nữ TP Bắc Giang trồng cây xanh sau lễ phát động

Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh và vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện  hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường tới toàn thể người dân trên địa bàn TP Bắc Giang. 

Tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Vệ sinh môi trường, xử lý chất thải; thôn, xóm, hộ gia đình thường xuyên tổng vệ sinh nơi ở, khu vực công cộng nhằm giảm thiểu tác động của chất thải tới sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân.

Sau lễ phát động, các đại biểu cùng hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường trên địa bàn xã Song Mai, đợt 1 thu gom được 62 tấn rác thải các loại; trồng 1.000 cây keo và 1.000 cây bạch đàn tại nghĩa trang chùa Na, xã Song Mai, TP Bắc Giang.

Lương Tài (Bắc Ninh): Hiệu quả mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” ở An Thịnh

Là đơn vị được chọn làm điểm triển khai thực hiện mô hình mới “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, năm qua, Hội LHPN xã An Thịnh (huyện Lương Tài) triển khai nhiều hoạt động mang lại hiệu quả tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao tại địa phương.

Gia đình chị Bích là hộ nghèo của xã, cuộc sống còn nhiều khó khăn, kinh tế trong nhà chỉ trông vào thu nhập ít ỏi từ mấy sào ruộng. Với 200 con gà giống được Hội LHPN huyện trao tặng, đến nay đàn gà của gia đình chị phát triển tốt, trung bình mỗi con nặng từ 2,5-3 kg. Chị Bích phấn khởi cho biết: Tết này, gia đình tôi sẽ có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống và dành dụm mua giống để nuôi thêm những lứa gà tiếp theo. Đó là thành quả từ sự động viên, tiếp sức của Hội LHPN các cấp trong việc trao sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với phương châm “trao cần câu – không trao con cá”. Thực hiện các tiêu chí của mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, qua khảo sát, xã An Thịnh có 3.219 hộ, trong đó có 264 hộ chưa đạt các tiêu chí của mô hình (chiếm 8,2%). Đối với các gia đình chưa đạt tiêu chí, Hội LHPN xã giao các chi hội có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ để đạt tiêu chí.

Với các tiêu chí “Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” ngoài bảo đảm các tiêu chí trên còn tập trung hỗ trợ kiến thức, tạo việc làm, vận động hội viên phụ nữ thành lập tổ hợp tác, tiêu thụ các sản phẩm sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm do phụ nữ sản xuất, làm chủ. Đồng thời, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí NTM, tham gia bảo vệ môi trường, hình thành thói quen phân loại rác thải tại gia đình nhằm tạo sức mạnh đồng thuận cao trong cộng đồng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Hiệu quả mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” ở An Thịnh
Nhờ được hỗ trợ mô hình sinh kế, gia đình chị Đoàn Thị Bích (thôn Cường Tráng, xã An Thịnh) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Triển khai xây dựng mô hình, Hội tổ chức các hoạt động giúp đỡ cụ thể đối với từng gia đình thông qua các hoạt động: Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; tín chấp cho vay vốn; tham gia các lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường… Trong năm 2023, trên địa bàn xã An Thịnh có 3 “Mái ấm tình thương” được hỗ trợ xây mới và sửa chữa với tổng trị giá gần 150 triệu đồng; 2 phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mô hình sinh kế trị giá 10 triệu đồng.

Hội chỉ đạo các chi hội thực hiện phân loại xử lý rác thải tại nguồn, thực hiện tốt mô hình “Khu dân cư không rác thải”, “Làng 3 sạch”; ra mắt mô hình: “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng NTM,”, “Khu dân cư không rác thải”, “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp, thân thiện”, “Phụ nữ chủ động phân loại rác thải từ hộ gia đình”… Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ sử dụng nước sạch, hỗ trợ vay vốn xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao. 100% chi hội vận động hội viên thực hiện tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ; tổ chức hướng dẫn các gia đình sử dụng vi sinh IMO để xử phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn và ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi.

Thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các HTX dịch vụ nông nghiệp mở 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; phối hợp cung ứng 4 tấn phân bón với kinh phí trả chậm cho hội viên sản xuất vụ Xuân; chủ động khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH với số dư hơn 23,1 tỷ đồng cho gần 500 lượt hội viên, phụ nữ vay. Toàn xã có 11 tổ tiết kiệm thu hút 504 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm được hơn 1,13 tỷ đồng, giúp chị em vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; 100% vốn được quản lý sử dụng có hiệu quả. Có kiến thức, có vốn, sự chịu thương, chịu khó, chị em cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã đã thực hiện thành công việc vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.

Đến cuối năm 2023, Hội giúp đỡ 5 hộ nghèo và cận nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, đạt 100%. Với những kết quả bước đầu trong thực hiện mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, Hội LHPN xã An Thịnh đã và đang làm tốt vai trò là cầu nối, giúp hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; đưa phong trào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương sớm hoàn thiện mục tiêu chương trình xây dựng NTM nâng cao đã đề ra.

Thanh Hóa: Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi, đất san lấp

Cụ thể, ngày 24/01 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 415/UBND-KTTC về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (diện tích 6,0 ha). Tên tổ chức trúng đấu giá là Công ty TNHH Kiên Ngọc Thành, địa chỉ tại nhà ông Nguyễn Văn Xuân, đội 10, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Giá trúng đấu giá: 13.999.900.000 đồng (Bằng chữ: Mười ba tỷ, chín trăm chín mươi chín triệu, chín trăm nghìn đồng).

Tại quyết định số 416/UBND-KTTC về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, diện tích 2,1 ha. Công ty TNHH Xây lắp điện và Xây dựng thủy lợi Thăng Bình. Địa chỉ Thôn Lý Nhân, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá là đơn vị trúng đấu giá. Giá trúng đấu giá: 6.919.000.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, chín trăm mười chín triệu đồng).

tm-img-alt
Quyết định số 416/UBND-KTTC về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, diện tích 2,1 ha đối với Công ty TNHH Xây lắp điện và Xây dựng thủy lợi Thăng Bình.

Tiếp theo, ngày 24/01 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 417/UBND-KTTC về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành, diện tích 7,967 ha. Công ty TNHH Long Sơn, địa chỉ Số 6, đường Voi Phục, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình là đơn vị trúng đấu gia. Giá trúng đấu giá: 1.137.000.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, một trăm ba mươi bảy triệu đồng).

Quyết định số 418/UBND-KTTC ngày 24/01 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống diện tích 8,0 ha. Tổ chức trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Phú. Địa chỉ Nhà bà Đỗ Thị Hồng, thôn Bòng Sơn, xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Giá trúng đấu giá: 3.022.830.000 đồng (Bằng chữ: Ba tỷ, không trăm hai mươi hai triệu, tám trăm ba mươi nghìn đồng).

Quyết định số 419/UBND-KTTC ngày 24/01 của UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, diện tích 4,0 ha. Tổ chức trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển TM-DV An Khang. Địa chỉ Số nhà 7/141 đường Lý Nhân Tông, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Giá trúng đấu giá: 1.336.000.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ, ba trăm ba mươi sáu triệu đồng).

Quyết định số 420/UBND-KTTC ngày 24/01 của UBND tỉnh Thanh Hóa ề việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp và đá ong phong hóa không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, diện tích 9,7 ha. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Cường Trung TH, Địa chỉ 216-218-200 Lê Hoàn, Phường Lam Sơn, Thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa là đơn vị trúng đấu giá. Giá trúng đấu giá là 4.083.099.000 đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ, không trăm tám mươi ba triệu, không trăm chín mươi chín nghìn đồng).

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Quyết định số 421/UBND-KTTC ngày 24/01 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm (đá ong phong hóa) tại xã Thành Minh, huyện Thạch Thành diện tích 5,18 ha. Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đồng Tâm – Thanh Hóa, địa chỉ: Số nhà 98 đường Trần Phú, tiểu khu 4, thị Trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa trúng đấu giá. Giá trúng đấu giá là 555.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm trăm năm mươi lăm triệu đồng)…

Thừa Thiên – Huế: Phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” năm 2024

Dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Giám đốc WWF – Việt Nam, Văn Ngọc Thịnh; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh cùng hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và Nhân dân tham gia.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng” được UBND tỉnh phát động vào đầu năm 2019. Đến nay, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và duy trì đều đặn hàng tuần, trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng sạch đẹp.

tm-img-alt

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn xác định công tác chỉnh trang cảnh quan, tạo môi trường thân thiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là cơ sở thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Một trong những phong trào mà tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hiệu quả trong thời gian qua góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường đó là Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”.

Ngay sau lễ phát động, ban tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng: Triển khai mô hình đổi rác lấy quà; tổ chức lễ mít tinh phát động giảm rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2/2024, và đặc biệt là hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và Nhân dân sẽ tập trung ra quân làm làm vệ sinh môi trường tại 10 điểm trên địa bàn TP. Huế, cảng cá Thuận An, đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích