Siêu du thuyền lớn nhất thế giới ra khơi gây lo ngại về khí thải metan
Siêu du thuyền lớn nhất thế giới ra khơi gây lo ngại về khí thải metan
Tàu du lịch lớn nhất thế giới Icon of the Seas đã ra khơi hôm 27/1 nhưng lại gây lo ngại sẽ rò rỉ khí thải metan vào khí quyển.
Ngày 27/1, tàu du lịch lớn nhất thế giới “Icon of the Seas” của Tập đoàn Tàu biển Royal Caribbean đã khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Miami (Mỹ). Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động vì môi trường lo ngại rằng tàu chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, và các tàu du lịch khổng lồ khác theo sau, sẽ gây rò rỉ khí metan có hại vào khí quyển.
Theo Guardian, con tàu có chiều dài hơn chiều cao của Tháp Eiffel, cao 20 tầng, có thể chứa hơn 8.000 hành khách và thủy thủ đoàn và có trọng lượng 1/4 triệu tấn.
Nhiều nghiên cứu khác nhau của các tổ chức môi trường, so sánh lượng khí thải carbon của một kỳ nghỉ kéo dài một tuần trên con tàu du lịch châu Âu với việc đi máy bay và ở trong khách sạn, đã kết luận rằng những chuyến du lịch như vậy đã tăng lượng carbon nhiều gấp 8 lần.
Tàu được chế tạo để chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), được cho là khí đốt sạch hơn nhiên liệu hàng hải truyền thống nhưng gây ra rủi ro lớn hơn về phát thải khí metan. Các nhóm môi trường cho rằng việc rò rỉ khí metan từ động cơ tàu là một nguy cơ không thể chấp nhận được đối với môi trường vì những tác động có hại ngắn hạn của nó.
Theo ông Bryan Comer – giám đốc Chương trình Hàng hải tại Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT), một tổ chức nghiên cứu về chính sách môi trường, cho biết việc sử dụng nhiên liệu như vậy cho thấy đây là ngành công nghiệp đang “đầu tư vào các giải pháp khí hậu sai lầm”.
Việc sử dụng LNG thay vì các nhiên liệu hàng hải khác giúp giảm 1/4 lượng khí thải carbon dioxide. Nhưng nhìn chung, một tàu du lịch sử dụng LNG thải ra nhiều khí thải nhà kính hơn do hiện tượng gọi là “thoát khí metan”. Đó là khi nhiên liệu không được cháy hết trong động cơ của tàu, dẫn đến phát thải khí metan, một loại khí mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide. Khí metan giữ nhiệt lượng gấp khoảng 80 lần so với CO2 trong suốt 20 năm sau khi nó được thải vào khí quyển.
Ông Bryan Comer nói rằng các tàu nên sử dụng pin nhiên liệu và hydro hoặc methanol tái tạo để thải ra ít khí nhà kính hơn.
Theo ông Nick Rose – phó chủ tịch của Royal Caribbean cho biết, khi tàu Icon of the Seas được thiết kế cách đây hơn bảy năm, LNG được coi là “nhiên liệu hứa hẹn nhất vào thời điểm đó”.
Icon of the Seas được thiết kế để chứa pin nhiên liệu, loại pin tạo ra điện mà không cần đốt cháy, dùng để cấp điện cho thang máy, nhưng pin vẫn chưa được lắp đặt do có vấn đề với nhà cung cấp.
Ông Rose cho biết công ty cam kết tìm kiếm và triển khai các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm cả pin nhiên liệu. Ông nói: “LNG là một phần trong chiến lược nhiên liệu thay thế của chúng tôi, cùng với nhiên liệu sinh học, methanol và các nguồn năng lượng khác như năng lượng trên bờ”.
Con tàu không lồ cũng được chế tạo để chạy bằng điện được cung cấp từ bờ khi cập cảng, một giải pháp thay thế sạch hơn cho việc chạy các máy phát điện gây ô nhiễm cao. Venice, Barcelona và Amsterdam chỉ là ba trong số các thành phố cảng cấm hoặc hạn chế tàu du lịch trong bối cảnh lo ngại về môi trường và sức khỏe ngày càng tăng.
Theo Marcie Keever, thuộc tổ chức Friends of the Earth US (tổ chức môi trường phi chính phủ): “Với việc đóng những siêu tàu như thế này và sử dụng LNG, ngành du lịch tàu biển đang đi sai hướng. Các tàu lớn hơn đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng hơn tại các cảng, phá hủy các rạn san hô và hệ sinh thái để chứa chúng”.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị