Anh: Từ “Đại sương mù” đến đạo luật Không khí sạch 2019
Anh: Từ “Đại sương mù” đến đạo luật Không khí sạch 2019
Sau thảm họa về sương mù năm 1952, Vương quốc Anh đã nhanh chóng thúc đẩy và thông qua một đạo luật để hạn chế nguy cơ tử vong đến từ không khí.
“Cái chết đến từ không khí” – lời cảnh tỉnh về ô nhiễm
Vào tháng 12.1952, London phải hứng chịu sự kiện ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, khi ít nhất 4.000 người thiệt mạng do sương mù dày đặc, còn được biết đến với tên gọi thảm họa “Đại sương mù”.
Vào thời điểm đó, nhiều nhà máy điện đốt than đang hoạt động ở London, trong khi cư dân thành phố cũng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để giữ ấm trong mùa đông rất lạnh. Người ta ước tính rằng thành phố đã thải ra 1.000 tấn hạt khói, 2.000 tấn carbon dioxide và 370 tấn sulfur dioxide mỗi ngày. Kết quả, khi người dân London thức dậy vào ngày 5.12 trong một làn sương mù không giống bất kỳ nơi nào khác. Tầm nhìn bị giảm xuống gần bằng 0, thành phố hoàn toàn bị bao phủ bởi một đám “mây màu vàng ngột ngạt”.
Mức độ nghiêm trọng thực sự của sự kiện có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với các nghiên cứu. Sự kiện này đã trở thành “lời cảnh tỉnh về ô nhiễm” thúc đẩy Vương quốc Anh thông qua các đạo luật về bảo vệ không khí sau đó.
Đạo luật Không khí sạch 1956 – “viên gạch” đầu tiên
Anh lần đầu tiên ban hành đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act) năm 1956, 4 năm sau sự kiện “Đại sương mù” năm 1952.
Trước đó, Anh đã ban hành một loạt các biện pháp và quy tắc trong nhiều thế kỷ để cải thiện chất lượng không khí – chẳng hạn như như đạo luật Giảm khói thuốc năm 1853 và 1856 và đạo luật Y tế công cộng năm 1891. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa phải là các biện pháp hiệu quả để cải thiện sức khỏe cộng đồng cho đến khi đạo luật Không khí sạch ra đời.
Đạo luật đã đưa ra một số biện pháp để giảm ô nhiễm không khí như bắt buộc sử dụng nhiên liệu không khói, đặc biệt là ở các khu vực dân số đông để giảm ô nhiễm khói và lưu hình dioxide từ các đám cháy. Đạo luật cũng bao gồm các biện pháp làm giảm sự phát thải khí, sạn và bụi từ các ống khói.
Đạo luật là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý để bảo vệ môi trường. Văn bản này được sửa đổi sau đó vào năm 1868 và có hiệu lực đến năm 1993.
Đạo luật Không khí sạch 2019: nâng cấp và hoàn thiện các quy định
Luật Không khí sạch 2019 đề ra cách giải quyết tất cả các nguồn gây ô nhiễm không khí, đề ra cách thức để bảo vệ sức khỏe quốc gia; bảo vệ môi trường; bảo đảm tăng trưởng sạch và đổi mới sạch; giảm phát thải từ giao thông, nhà cửa, nông nghiệp và công nghiệp; giám sát tiến độ thực hiện.
Theo luật này, Chính phủ sẽ tăng tính minh bạch bằng cách cung cấp dữ liệu giám sát chất lượng không khí của địa phương và quốc gia vào cùng một cổng thông tin để mọi người dễ dàng nắm thông tin.
Trong đó, Anh đặt ra mục tiêu dài hạn và đầy tham vọng là cắt giảm 50% mức ô nhiễm PM2.5 theo ngưỡng giới hạn trung bình hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10μg/m3 vào năm 2025.
Luật này cũng buộc các bang, thành phố phải công bố kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện chất lượng không khí cho dân cư trong địa bàn mình quản lý.
Luật cũng thông tin rằng Chính phủ Anh sẽ cung cấp hệ thống tin nhắn thông báo chất lượng không khí cá nhân để thông tin đến công chúng, đặc biệt là những người có cơ địa dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí; cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các đợt ô nhiễm không khí và tư vấn sức khỏe.
Chính phủ cũng sẽ làm việc với các cơ quan truyền thông để qua đó giúp cải thiện và nâng cao nhận thức của người dân về tác động của ô nhiễm không khí. Ngoài ra Anh cũng đặt kế hoạch chấm dứt việc bán ô tô chạy bằng động cơ diesel mới và hủy các chuyến tàu hỏa chỉ chạy bằng diesel vào năm 2040, bảo đảm giao thông tại nước này bằng các phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Đối với doanh nghiệp và người dân, luật cấm bán nhiên liệu gây ô nhiễm nhất như gỗ và than, dùng trong các lò sưởi ở Anh; trao quyền hạn mới cho chính quyền địa phương để hành động trong các khu vực có mức ô nhiễm cao…
Luật cũng yêu cầu và hỗ trợ nông dân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nông trại giúp giảm khí thải, đặc biệt là khí thải amoniac; điều chỉnh để giúp giảm ô nhiễm từ việc sử dụng phân bón…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị