Thanh Hóa: Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng

(Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 5086/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, huyện Thọ Xuân đến năm 2040.

Thanh Hóa: Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng
Ảnh minh họa.

Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở ranh giới Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, huyện Thọ Xuân đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2014; bao gồm toàn bộ diện tích thị trấn Lam Sơn, các xã: Xuân Bái, Thọ Xương, Thọ Lâm và một phần diện tích thị trấn Sao Vàng (khoảng 1.324,00ha), các xã: Xuân Hưng (khoảng 983,55ha), Xuân Sinh (khoảng 616,86ha), Xuân Phú (khoảng 1.078,47ha), Xuân Thiên (khoảng 341,06ha), Thọ Sơn (khoảng 464,60ha), Kiên Thọ (khoảng 48,60ha).

UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng để phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng đáp ứng vai trò, chức năng là một trong các cực tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa. Đô thị Lam Sơn – Sao Vàng sẽ là khu vực đô thị hiện hữu, phát triển thành một khu vực đô thị thuộc thị xã Thọ Xuân dự kiến hình thành trước năm 2030, đô thị động lực, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Tây tỉnh Thanh Hóa với chức năng công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng như giao thông đường bộ, cảng hàng không.

Dân số hiện trạng của đô thị hiện này, năm 2022 khoảng 55.000 người; dự báo đến năm 2030 khoảng 99.850 người; đến năm 2040 khoảng 158.000 người. Về diện tích đất xây dựng đô thị Lam Sơn – Sao Vàng đến năm 2030 khoảng 5.128,40ha; đến năm 2040 khoảng 5.666,59ha.

Không gian phát triển đô thị Lam Sơn – Sao Vàng được dựa trên hệ thống khung giao thông chủ yếu gồm: Đường Hồ Chí Minh, đường nối Quốc lộ 47 với đường Hồ Chí Minh (ĐT.519B), đường nối Cảng hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn (ĐT.506), 3 điểm kết nối của các tuyến đường này đóng vai trò là 3 cửa ngõ chính vào đô thị, tạo cảm giác ổn định và cân đối. Phân thành 5 vùng không gian cốt lõi: Vùng không gian khu Lam Kinh; Vùng không gian khu Lam Sơn; Vùng không gian khu Sao Vàng; Vùng không gian khu Tây đường Hồ Chí Minh; Vùng không gian phía Đông Lam Sơn, phía Tây Bắc Sao Vàng.

Cấu trúc đô thị Lam Sơn – Sao Vàng dựa trên cơ sở “Một vành đai – Hai trung tâm – Ba tuyến” nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế chiến lược cốt lõi của đô thị. Trong đó, Một vành đai: Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 47 và đường vành đai phía Tây cảng hàng không tạo thành vành đai giới hạn phát triển đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, có chức năng kết nối các cụm chức năng nội tại và kết nối với các điểm đô thị vệ tinh và thị trấn Thọ Xuân. Hai cực trung tâm: Trung tâm thị trấn Lam Sơn và Trung tâm hành chính mới thị xã Thọ Xuân (dự kiến thành lập năm 2030) tại thị trấn Sao Vàng gắn kết chặt chẽ với cảng hàng không Thọ Xuân tạo thành tổ hợp đô thị sân bay. Ba tuyến: Tuyến đô thị dịch vụ thương mại, tuyến công nghiệp – logistic, tuyến du lịch sinh thái và nông nghiệp.

Dựa trên cấu trúc phát triển đô thị, phân vùng không gian đô thị Lam Sơn – Sao Vàng thành 8 khu vực chính theo chức năng và địa hình tự nhiên: Khu vực 1 là Khu đô thị dịch vụ hiện hữu; Khu vực 2 là Khu đô thị dịch vụ hàng không; Khu vực 3 là Khu vực đô thị trung tâm hành chính mới và khu đô thị sinh thái kết hợp sân Golf Núi Chì – Núi Chẩu; Khu vực 4 là khu vực nông nghiệp đô thị phía Tây đường Hồ Chí Minh và khu đô thị sinh thái ven sông Chu; Khu vực 5 là Khu vực Lam Kinh, khu đô thị du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; Khu vực 6 là Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng và không gian phụ trợ; Khu vực 7 (Khu vực cảnh quan và dân cư ven sông Chu; Khu vực 8 là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về tổng thể, không gian toàn đô thị Lam Sơn – Sao Vàng được thiết kế theo 5 trục không gian chính gắn kết toàn bộ các khu chức năng, gồm: Trục không gian đô thị hóa dọc hai bên Quốc lộ 47; Trục không gian “xa lộ nông nghiệp” hai bên đường Hồ Chí Minh; Trục không gian cảnh quan hai bờ sông Chu; Trục không gian cảnh quan Bắc – Nam: Tổ chức theo bố cục không gian kiến trúc trên cơ sở địa hình tự nhiên, có trọng tâm và điểm nhấn rõ ràng, làm rõ nét được các không gian chức năng du lịch, công nghiệp, đô thị; Trục không gian cảnh quan Đông – Tây sử dụng bố cục phối kết không gian mở, trục chính đô thị trên nền hậu cảnh của địa hình tự nhiên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích