Công ty Hải Ngân nói gì về việc khai thác đất tại Cao Phong – Hòa Bình

Công ty Hải Ngân nói gì về việc khai thác đất tại Cao Phong – Hòa Bình

UBND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình xử phạt 100 triệu đồng 04 hộ gia đình tại xã Bắc Phong và xã Thu Phong vì hành vi hủy hoại đất. Nhưng tại sao không thể xử phạt đơn vị trực tiếp khai thác, hủy hoại đất.

Xử phạt chủ đất vì hành vi hủy hoại đất do thực hiện san hạ cốt nền trái phép

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin về tình trạng khai thác đất trái phép tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình làm ảnh hưởng đến ranh giới thi công dự án xử lý nguy cơ mất ATGT đoạn dốc Cun (Km 78+420-Km85+100) trên QL.6, tỉnh Hòa Bình, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT trên Ql.6.

tm-img-alt

Trao đổi với PV ngày 25/1/2024, ông Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong cho biết: Sau khi phát hiện, huyện đã lập đoàn kiểm tra về việc san hạ đất trên địa bàn xã Thu Phong, xã Bắc Phong khu vực thực hiện dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+550-KM85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình. Sau đó, huyện đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với 04 hộ dân liên quan với tổng số tiền xử phạt là 100 triệu đồng.

Cụ thể, trong ngày 8/1/2024 UBND huyện Cao Phong ra 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai với tổng số tiền xử phạt 100 triệu đồng các hộ gia đình ở xã Bắc Phong và xã Thu Phong với hành vi hủy hoại đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép như sau:

Quyết định số 03/QĐ-XPHC đối với ông Đỗ Đức Kỳ số tiền 30.000.000 đồng vì đã thực hiện hành vi hủy hoại đất: Làm biến dạng địa hình, tự ý san lấp mặt bằng 2886m2 đất.

Quyết định số 04/QĐ-XPHC đối với ông Triệu Thế Lâm số tiền 30.000.000 đồng vì đã thực hiện hành vi hủy hoại đất: Làm biến dạng địa hình, tự ý san ủi 4507,6m2 đất.

Quyết định số 05/QĐ-XPHC đối với ông Nguyễn Quốc Đạt số tiền 30.000.000 đồng vì đã thực hiện hành vi hủy hoại đất: Làm biến dạng địa hình, tự ý san ủi 1181,8m2 đất.

Quyết định số 06/QĐ-XPHC đối với bà Vũ Thị Hiển số tiền 10.000.000 đồng vì đã thực hiện hành vi hủy hoại đất: Làm biến dạng địa hình, tự ý san ủi 619,3m2 đất.

Biện pháp khắc phục là buộc phải thực hiện san lấp, khôi phục độ cao ban đầu của đất hoặc bằng thửa đất liền kề và  thực hiện cải tạo đất để sử dụng và mục đích trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.

Được biết, công trình do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại số 909 – Công ty TNHH đầu tư xây dựng SHB Việt Nam – Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc Nam – Công ty TNHH Thương mại Hải Ngân (Công ty Hải Ngân); Nhà thầu phụ: Công ty TNHH Ngọc Doanh trúng thầu tại quyết định số 328/QĐ-SGTVT ngày 23/6/2023 do ông Lê Ngọc Quản – Phó Giám đốc Sở ký với giá trúng  thầu là 80.467.783.000 đồng, thời gian thực hiện 210 ngày.

Không những hủy hoại đất mà còn thất thoát khoáng sản – Công ty Hải Ngân có vô can ?

Về việc san hạ cốt nền của các hộ cá nhân tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Mặc dù huyện đã kịp thời vào cuộc và cứng rắn ra quyết định xử phạt thế nhưng vấn đề bức xúc và thắc mắc của dư luận là tại sao Công ty Hải Ngân đơn vị trực tiếp thực hiện hành vi khai thác đất lại không bị xử phạt.

Các thửa đất trên cạnh công trình xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+550-KM85+100) đoạn qua địa bàn xã Bắc Phong và xã Thu Phong, huyện Cao Phong trên Quốc lộ 6  đoạn này do Công ty TNHH Hải Ngân là nhà thầu thi công.

Theo đó, tại văn bản số 3011/UBND-TN&MT ngày 27/12/2023 của UBND huyện Cao Phong gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình về việc đề nghị xác định mốc thi công khu vực thực hiện dự án: Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+550-KM85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình có xác định Công ty TNHH Hải Ngân là đơn vị thực hiện việc san hạ mặt bằng ngoài vị trí thi công tại thửa đất của các hộ dân. 

tm-img-alt
Văn bản của UBND huyện Cao Phong gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo đơn vị thi công dừng thi công, không thi công ngoài phạm vi thực hiện dự án.

Công ty Hải Ngân là đơn vị thực hiện hành vi san hạ mặt bằng tại các thửa đất của người dân nhưng đơn vị này lại vô can trong sự vụ. Mặc dù, hậu quả là rất rõ ràng, đất đai bị hủy hoại, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát. Chủ các thửa đất cũng bị xử phạt. Về việc này, ngày 25/1/2024 trả lời cơ quan Báo chí đại diện Công ty Hải Ngân giải thích: Đơn vị thi công có phương án xử lý phần taluy phía trên làm sao để khi mình thi công tránh bị sạt từ trên xuống dưới nó tiếp tục sạt cho đảm bảo ATGT.

Liên quan đến việc vận chuyển đất đi ra ngoài tỉnh, vị đại diện cho Công ty Hải Ngân giải thích: Vì một số đơn vị đi qua chỗ người quen của anh em lái xe, lái máy họ vào xin một vài xe thì thôi mình đang thi công, đang xúc ở đấy lúc mà mình đang trống gàu anh em vào xin thì cho nhau 1, 2 xe để đổ chỗ nọ chỗ kia, lấp cái ao, vườn…

“Chủ trương của công ty quán triệt là không có bán hay vận chuyển đi đâu cả”. Đại diện phía Công ty TNHH Hải Ngân khẳng định thêm.

Như vậy qua trao đổi với đại diện Công ty Hải Ngân, có cơ sở để khẳng định: Công ty Hải Ngân đã thực hiện hành vi san hạ mặt bằng dẫn đến việc các chủ thửa đất đều bị UBND huyện Cao Phong xử phạt vì hành vi hủy hoại đất. Không những thế hành vi, việc làm của Công ty Hải Ngân còn khiến cho tài nguyên khoáng sản bị thất thoát.

Giải thích tại sao Công ty Hải Ngân không bị xử phạt, trả lời PV ông Hoàng Anh – Trưởng phòng TNMT huyện Cao Phong thông tin: Khi khai thác phía Công ty Hải Ngân san gạt chuyển đất từ phần đất của các hộ dân ra phạm vi khu vực thi công thực hiện dự án của Công ty đang thi công xây dựng, khi cán bộ đoàn kiểm tra ra làm viêc yêu cầu dừng vận chuyển đất, khoáng sản thì một số người bên phía đơn vị thi công còn chống đối lý do là họ đang thi công dự án.

Với cách giải thích như vậy của Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có thực sự thuyết phục được dư luận.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích