Bình Thuận lọt vào top các tỉnh có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng
Bình Thuận lọt vào top các tỉnh có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng
Năm 2023 đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của ngành du lịch khi lần đầu tiên Bình Thuận lọt vào top các tỉnh có doanh thu trên 10.000 tỉ đồng.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, năm 2023, Sở đã nỗ lực, chủ động bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao năm 2023 và cụ thể hóa bằng Quyết định giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và Kế hoạch công tác năm để các phòng, các đơn vị triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa được chú trọng và huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia tạo tiền đề cho sự phát triển, tổ chức thành công các hoạt động liên quan của ngành cũng như các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia. Sở đã tham mưu kịp thời các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực VH-TT&DL và tổ chức các hoạt động VH-TT&DL phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, vinh dự được đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, Sở đã chủ động rà soát, chuẩn bị tốt các nội dung liên quan để tổ chức thành công Lễ khai mạc; chuỗi các hoạt động và Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Đây là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, vùng đất Bình Thuận và thúc đẩy thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Nhờ hiệu ứng tích cực từ Năm Du lịch quốc gia đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ của Bình Thuận đến du khách trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động du lịch có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ; lượng khách đến tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Các kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, 2/9 được nghỉ nhiều ngày, tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Vĩnh Hảo – Phan Thiết được đưa vào hoạt động; tại địa phương tiếp tục diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023; các giải pháp xúc tiến, quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường gắn với triển khai công nghệ số, hệ thống du lịch thông minh, các chương trình giảm giá kích cầu du lịch phù hợp được thực hiện tốt và chú trọng về chất lượng từ các doanh nghiệp du lịch, nhiều điểm du lịch mới hấp dẫn được đưa vào khai thác… đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách du lịch từ các tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, đã giúp tỉnh Bình Thuận trở thành 1 trong 10 tỉnh có tổng doanh thu về du lịch cao nhất cả nước.
Năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận ước đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so với năm 2022), là 1 trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Kết quả này sẽ là “cú hích” để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới.
Cũng theo Bùi Thế Nhân, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển VH-TT&DL được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đề ra và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh và ngành. Do đó, toàn ngành VH-TT&DL cần tập trung năng động, sáng tạo và bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Kết luận, Chương trình, Kế hoạch của tỉnh về phát triển VH-TT&DL để tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, gắn với quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển sự nghiệp VH-TT&DL; phấn đấu, nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao năm 2024. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (Khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050 khi được phê duyệt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch trên các nền tảng xã hội để thu hút du khách và phục hồi thị trường khách quốc tế; tạo cơ hội thu hút các doanh nhân, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư phát triển du lịch.
Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, khai thác hiệu quả lợi thế về sản phẩm đặc trưng của địa phương, có chất lượng cao của thương hiệu du lịch Bình Thuận.
Từ chỗ vốn chỉ là một làng chài nhỏ, một mũi đất nhô ra biển mà ngư dân đi biển thường tìm vào để tránh né mỗi khi có dông bão, giờ đây Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được du khách trong và ngoài nước biết tới như một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng” tầm cỡ trong khu vực.
Theo định hướng, Mũi Né đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né được quy hoạch trên tổng diện tích 14.760 ha ở 3 địa phương ven biển: thành phố Phan Thiết, huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong. Ngoài những ưu đãi về khí hậu, thời tiết và cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng, Mũi Né còn hội tụ nhiều địa chỉ văn hóa – lịch sử nổi tiếng, đa dạng, mang đặc trưng của một vùng đất ven biển với truyền thống lâu đời. Nơi đây có quần thể tháp Chăm cổ Pô sah Inư (phường Phú Hài) với lễ hội Katê truyền thống của đồng bào Chăm bản địa; có trường Dục Thanh bên sông Cà Ty – nơi lưu dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào; đình Vạn Thủy Tú được xây dựng từ năm 1762, nơi lưu giữ và trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam; có suối Tiên (phường Hàm Tiến) với dòng nước ngọt hiền hòa chảy giữa hai đồi cát đỏ; có Hòn Rơm hoang sơ yên bình; có làng chài Mũi Né mang trọn vẹn sức sống đặc trưng của làng chài xứ biển.
Ở đây còn có bãi đá bảy màu ven biển (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam”; có thắng cảnh hồ nước ngọt tự nhiên giữa đồi cát mênh mông mang tên Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Ngoài ra, Mũi Né còn là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm và là bãi biển hàng đầu của Châu Á cho môn thể thao này. Nơi đây đã tổ chức nhiều cuộc thi lướt ván buồm, lướt ván diều thu hút nhiều vận động viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia tranh tài.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né còn có khả năng kết nối với các điểm du lịch khác của Bình Thuận cũng như trong khu vực, với mục tiêu tối ưu hóa tiềm năng du lịch, đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đưa Mũi Né trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 Khu du lịch quốc gia của cả nước. Du khách đến với Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ được trải nghiệm các loại hình du lịch độc đáo, ấn tượng như: tham quan, nghỉ dưỡng biển, chơi thể thao biển, du lịch tín ngưỡng biển đảo…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị