Nhiều giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường (Bài 2)

Nhiều giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường (Bài 2)

Lâm Đồng tiếp tục tích cực và chủ động ngăn chặn các biểu hiện của môi trường bị suy thoái trong tỉnh. Bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bài 2: Chủ động ngăn ngừa môi trường suy thoái

Tặng làn nhựa cho phụ nữ dùng đi chợ để giảm thải rác thải nhựa tại Đức Trọng
Tặng làn nhựa cho phụ nữ dùng đi chợ để giảm thải rác thải nhựa tại Đức Trọng

• PHÒNG NGỪA VÀ KHẮC PHỤC Ô NHIỄM

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, việc đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh được tích hợp trong kế hoạch hành động và trong các báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương.

Ngành chức năng tỉnh thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền về trách nhiệm cũng như các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đặc biệt cho các cơ sở thuộc đối tượng phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường bằng nhiều hình thức như mở các lớp đào tạo, tập huấn (trung bình 2 lớp/năm) cùng các văn bản hướng dẫn.

Việc thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo và phục hồi môi trường được thực hiện nghiêm túc trước khi các dự án khai thác mỏ, khoáng sản ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đi vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 139 dự án dược phê duyệt. Việc lựa chọn phương án khả thi cải tạo và phục hồi môi trường, cũng như kế hoạch và kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc dự án tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Lâm Đồng trong thời gian qua đã yêu cầu các địa phương tiến hành cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh. Đến nay, ngoài các địa phương đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung thì có huyện Bảo Lâm đang tiến hành cải tạo, xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Đối với các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh thì các đơn vị quản lý đều bố trí kinh phí để thực hiện rải vôi và phun chế phẩm vi sinh, hóa chất diệt ruồi lên bề mặt rác để giảm thiểu mùi hôi.

Đến nay, trong tỉnh có 6/9 đơn vị đã được đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các cơ sở còn lại đang được tiếp tục xử lý; đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có 3 bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung gồm bãi rác Cam Ly tại Phường 5, TP Đà Lạt; bãi rác Gung Ré tại xã Gung Ré, huyện Di Linh và bãi rác thôn Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát.

• ĐẨY MẠNH THANH TRA, KIỂM TRA

Tính trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường định kỳ của 1.383 đơn vị, kịp thời phát hiện tình hình ô nhiễm và đề xuất kịp thời các giải pháp khắc phục và xử lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, đồng thời, kiến nghị sửa đổi bổ sung các vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua các cuộc kiểm tra, đã có 260 đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Cùng đó, thông qua các nguồn tin, ngành chức năng tỉnh đã kịp thời thanh tra đột xuất các vụ việc nóng, nổi cộm trong các dự án tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Để giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, từ năm 2020 đến nay, ngành Tài nguyên Môi trường tỉnh không thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra riêng trong lĩnh vực môi trường mà lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và khoáng sản. Qua thanh tra đã phát hiện 12 trường hợp sai phạm các hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.

• CẦN SỰ VÀO CUỘC RỘNG RÃI

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Lâm Đồng, vẫn tồn tại không ít khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường tại Lâm Đồng hiện nay.

Trước nhất, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thường tập trung vào nhóm dịch vụ công ích, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương bố trí cho công tác khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường cho các đơn vị này còn nhiều hạn chế; công tác kiểm soát ô nhiễm khắc phục hậu quả của các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, các biện pháp đình chỉ hoạt động hay xử phạt hành chính đối với nhóm dịch vụ công ích là không khả thi.

Cùng đó, nguồn lực đầu tư, chi sự nghiệp môi trường của tỉnh nhìn chung còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng của địa phương; nhu cầu đầu tư hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi các chính sách xã hội hóa mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này chưa hiệu quả.

Lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, tỷ lệ xử lý theo hình thức chôn lấp còn cao, trong khi đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tái chế thấp. Nhiều nhà máy cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tích cực thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Như Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng chỉ ra, công tác bảo vệ môi trường cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau; hệ thống hạ tầng về bảo vệ môi trường cần được đầu tư để đáp ứng được tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng dân số hiện nay. Bảo vệ được môi trường, kiểm soát ô nhiễm phải được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

• TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến được Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng nhấn mạnh, đó là việc tiếp tục tăng cường truyền thông về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền.

Ngành cho biết sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải, đặc biệt là giảm phát thải trong phát sinh và xử lý chất thải rắn; tiếp tục mở rộng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường cũng như xây dựng cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu.

Trước mắt trong năm 2024, ngành thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở, công trình quan trọng; tăng cường giám sát hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Một nhiệm vụ quan trọng không kém là việc kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp; nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường của các ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích