Tiếp tục cải cách vì doanh nghiệp

Sự phục hồi của doanh nghiệp sẽ quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của các địa phương cũng như cả nước.

Vì vậy, yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết hơn, trong bối cảnh các điều kiện quốc tế và trong nước vẫn ẩn chứa nhiều thách thức, phức tạp và khó lường, tác động tiêu cực đến sự ra đời cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2024.

Tiếp tục cải cách vì doanh nghiệp
Sản xuất thiết bị máy công nghiệp tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Khó khăn vẫn bủa vây

Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vào tháng 12-2023, mặc dù thời kỳ khó khăn vẫn đang tiếp diễn nhưng niềm tin của doanh nghiệp đã trở lại. So với các con số của khảo sát tháng 4-2023, tình hình đã lạc quan hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô tích cực/rất tích cực tăng gấp 2,7 lần; tỷ lệ đánh giá về kinh tế ngành tích cực/rất tích cực cũng tăng gấp 2,5 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới tăng gấp gần 3 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô tăng gấp 2 lần…

Tuy nhiên, về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Có 60,2% doanh nghiệp dự báo giảm doanh thu. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục “khoan thư sức dân” hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM) Nguyễn Minh Thảo đánh giá, năm 2023 bộc lộ rõ sự khó khăn của doanh nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 có 217,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022 nhưng có tới 172.600 doanh nghiệp rút lui, tăng 20,5% so với năm trước. Bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Ngược lại, có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Đáng chú ý là từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ gia tăng. Như vậy, mức độ khó khăn của doanh nghiệp ngày càng trầm trọng. Năng lực chống chịu của doanh nghiệp suy giảm nhiều và dễ tổn thương trước các biến động”, bà Nguyễn Minh Thảo nêu.

Trong khi đó, công tác cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chậm được giải quyết những vướng mắc, dẫn đến lãng phí thời gian và cơ hội duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ý kiến một số hiệp hội doanh nghiệp, vấn đề này thể hiện dưới nhiều tình huống nhưng đều liên quan đến khả năng xử lý, tháo gỡ của cơ quan chức năng.

Tiếp tục cải cách vì doanh nghiệp
Năm 2023, Nhà nước đưa ra nhiều gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp là khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Phân xưởng của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Cần ngay các biện pháp hỗ trợ

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra. Đơn cử, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Theo tính toán, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2023 lên tới khoảng 200.000 tỷ đồng… Ngoài ra, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất, với mức giảm 0,5-2,0%/năm, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn.

Vấn đề đặt ra cho năm 2024 là sự vào cuộc một cách toàn diện, kịp thời từ phía Chính phủ, hệ thống cơ quan chức năng để thật sự đồng hành với doanh nghiệp bằng cách thực hiện cải cách và hỗ trợ, chắt chiu từng cơ hội…

Tư duy xuyên suốt của Chính phủ là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 sẽ là nền tảng cho việc trợ giúp doanh nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh vẫn là hướng đi chính, nhằm tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Mục tiêu là số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số. Các đơn vị làm đầu mối có trách nhiệm: Cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Để thực hiện mục tiêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Một vấn đề cũng rất quan trọng là tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích