Vì sao cần phải bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nhóm vũ khí thô sơ?
Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sang Bộ Tư pháp để thẩm định theo thẩm quyền.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương, 75 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời, không điều chỉnh đối với pháo hoa, pháo hoa nổ vì mục tiêu của dự thảo Luật nhằm quản lý, trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, còn pháo hoa, pháo hoa nổ được sản xuất nhằm phục vụ sử dụng trong các sự kiện văn hóa, chính trị và vui chơi, giải trí của người dân.
Một trong những điểm mới được sửa đổi là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Bộ Công an cho biết, qua khảo sát toàn quốc có khoảng 12 làng nghề, 13.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh với trên 2.300 mẫu dao khác nhau.
Tang vật một vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng. (Ảnh: CAHN) |
Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh không đăng ký kinh doanh chiếm khoảng 87,5%, số có đăng ký kinh doanh chiếm khoảng 12,5% và chưa có cơ quan nào trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao này nên hiện nay doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán các loại dao tự do.
Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án. Trong đó, đã xử lý trên 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chủ yếu là hành vi giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…, trên 2.000 đối tượng tái phạm, trên 5.000 đối tượng sử dụng các loại dao theo mẫu sản xuất tại các cơ sở hoặc dao tự hoán cải.
Như vậy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
“Quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí.
Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng”, Tờ trình nêu rõ.
Cũng theo Tờ trình, Dự thảo Luật quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng. Các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần khai báo số lượng, chủng loại dao với Công an cấp xã và không đưa vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị bỏ khái niệm “súng săn”, đưa các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén ga, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng. Vì súng săn bản chất là súng bắn đạn ghém, súng nén hơi được sử dụng vào mục đích để săn bắn, nhưng theo quy định của Luật đều cấm cá nhân không được sử dụng.
Thực tế các loại súng này có tính sát thương rất cao, nguy hiểm như vũ khí quân dụng, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người. Hiện nay, việc áp dụng xử lý đối với hành vi sử dụng trái phép các loại súng này còn chồng chéo, chưa thống nhất, khi thì áp dụng xử lý tương tự vũ khí quân dụng, khi thì áp dụng xử lý tương tự vũ khí thể thao, súng săn.
Đồng thời, Luật đã quy định nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, sử dụng súng săn. Do đó, cần thiết quy định theo hướng bỏ súng săn và đưa các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén ga, nén hơi trong nhóm vũ khí quân dụng trong dự thảo Luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô