Lào Cai: Tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn

Lào Cai: Tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn

UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản số 443/UBND-TNMT ngày 24/1 chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, nội dung văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các phương án thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, khu vực chợ, khu dân cư tập trung, khu du lịch văn hóa, khu vui chơi, giải trí và chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khối lượng lớn chất thải. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phân loại, thu gom chất thải theo quy định. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, tránh nguy cơ dịch lây nhiễm ra cộng đồng. Chủ động nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; khi có dấu hiệu ô nhiễm hoặc các sự cố môi trường, kịp thời huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan phối hợp ứng phó sự cố môi trường và các sự cố khác. Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin và thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý.

tm-img-alt
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh minh hoạ

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong quá trình hoạt động sản xuất thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thường xuyên vận hành các công trình xử lý chất thải để đảm bảo các chất thải sau xử lý nằm trong quy chuẩn cho phép trước khi xả ra ngoài môi trường. Khi có dấu hiệu ô nhiễm hoặc các sự cố môi trường thì chủ động huy động nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục sự cố nhanh chóng, hiệu quả; báo cáo kịp thời đến chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan để phối hợp xử lý.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND cấp huyện (nơi có các cơ sở hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế) chủ động nắm tình hình hoạt động của các cơ sở; đặc biệt các cơ sở sản xuất trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng, khi có dấu hiệu ô nhiễm hoặc các sự cố môi trường, kịp thời huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan phối hợp ứng phó sự cố môi trường và các sự cố khác. Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin và thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý.

Các sở, ngành có liên quan chủ động triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo chức năng, lĩnh vực ngành; bố trí sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin và thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý khi có các sự cố xảy ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung. Chủ động phân công, bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin, báo cáo từ các sở, ngành có liên quan; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn đảm bảo công tác ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ động theo dõi giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường thông qua hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và các biện pháp phù hợp.

Nếu có vấn đề phức tạp phát sinh trên địa bàn quản lý, các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông tin kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường, hoặc số điện thoại đường dây nóng: 0916.389.469 để phối hợp xử lý.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích