Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường ở Phổ Yên
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường ở Phổ Yên
Cùng với tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua, TP. Phổ Yên cũng chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững.
Cùng với tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua, TP. Phổ Yên cũng chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững.
TP. Phổ Yên hiện có trên 19.700 con trâu, bò; khoảng 135.000 con lợn và hơn 2,3 triệu con gia cầm. Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; các hộ chăn nuôi nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế này, cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thành phố đã khuyến khích, vận động các hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nằm cách xa khu dân cư, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng diện tích, cũng như xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Căn cứ vào địa hình và lợi thế của từng vùng, UBND thành phố đã quy hoạch khu chăn nuôi gia cầm, gia súc tập trung ở các xã, phường phía Tây như: Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công, Vạn Phái, Bắc Sơn.
Với 87 trang trại và hơn 22.000 gia trại chăn nuôi đang hoạt động, hằng năm, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học – kỹ thuật và khuyến khích người dân áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học, thu gom xử lý chất thải, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đó, các hộ đều có biện pháp thu gom, xử lý nước thải bằng bể biogas đối với chăn nuôi lợn; thu gom phân riêng để phục vụ sản xuất nông nghiệp đối với chăn nuôi gà. Đồng thời sử dụng đệm lót sinh học, có biện pháp thông gió khử mùi, khử trùng, tránh lây lan mầm bệnh, đảm bảo vật nuôi được khỏe mạnh.
Đến trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Quang Minh, ở xóm Thượng Vụ 2, xã Thành Công, chúng tôi thấy khu vực chăn nuôi lợn được gia đình đầu tư xây dựng khoa học, nằm cách xa nhà ở. Đặc biệt, xung quanh được trồng nhiều cây xanh và các loại cây ăn quả, không chỉ tạo bóng mát, mà còn giúp không khí trong lành hơn.
Ông Minh cho hay: Cùng với ưu tiên lựa chọn con giống tốt, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, tôi đã đầu tư, trang bị hệ thống xử lý nước thải, chất thải và sử dụng thuốc sinh học phun khử khuẩn, khử mùi thường xuyên. Nhờ đó chuồng trại luôn đảm bảo vệ sinh, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh.
Trong số 87 trang trại đang hoạt động trên địa bàn, có trên 50% trang trại liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp như: Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Japfa Comfeed Việt Nam…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chăn nuôi theo hình thức này không chỉ giúp người dân quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, con giống đảm bảo quy trình kỹ thuật, mà còn hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tính riêng trong năm 2023, toàn thành phố có 11 cơ sở chăn nuôi (4 cơ sở chăn nuôi lợn và 7 cơ sở chăn nuôi gà) được cấp chứng nhận VietGAP.
Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường trong chăn nuôi. Trong 3 năm gần đây, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 43 triệu đồng; nhắc nhở 3 cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường…
Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian tới TP. Phổ Yên tiếp tục tạo điều kiện để người chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hình thức liên kết. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị