Trường hợp nào phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án?
(Xây dựng) – Các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Xây dựng thì việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo Điều 61 Luật Xây dựng và Khoản 18 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trường hợp nào phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (ảnh minh hoạ). |
Dự án hạ tầng kỹ thuật nhóm C, cấp II, được HĐND Thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư 9,6 tỷ đồng. Sở Xây dựng phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật, tổng mức đầu tư là 6,41 tỷ đồng trên cơ sở ranh giới thực hiện dự án được UBND phường xác định là đất công và quản lý (dự án có xây dựng hàng rào bao quanh để chống lấn chiếm và quản lý).
Tuy nhiên khi dự án triển khai thi công thì trong ranh giới thực hiện dự án phát sinh nguồn gốc đất nông nghiệp của các hộ dân được giao khoảng 300 m2 với giá trị bồi thường khoảng 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Song Phi (Hà Nội) hỏi, như vậy có phải điều chỉnh chủ trương đầu tư từ HĐND Thành phố không? Hay chỉ điều chỉnh báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Xây dựng thì việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo Điều 61 Luật Xây dựng và Khoản 18 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Việc quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện theo pháp luật của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.
Hiện nay, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo Điều 34, việc điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo Điều 43 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.
Trường hợp điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư thì phải thực hiện việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công.
Trường hợp ông Nguyễn Song Phi vẫn còn vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị ông gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn theo thẩm quyền.
Nguồn: Báo xây dựng