EU đánh giá cao Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng xanh
Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam vừa có cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam-EU vào chiều ngày 23/1. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đồng chủ trì.
Cuộc họp trao đổi và thống nhất các vấn đề: Thông tin về tình hình giải ngân đợt 2, năm 2022, tiến độ đạt được các chỉ số giải ngân đợt 3, năm 2023; Cập nhật tiến độ và báo cáo kết quả thực hiện thực hiện 4 dự án hỗ trợ kỹ thuật; Ban chỉ đạo phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2024 và các công việc khác của Chương trình.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và các nội dung tại COP28. Trong đó có lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bền vững với sự hỗ trợ của EU.
Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững EU-Việt Nam trị giá 142 triệu Euro (khoản viện trợ không hoàn lại của EU) có hiệu lực và ngày 31/12/2021. Đây là chương trình tiếp theo sau Chương trình hỗ trợ chính sách ngành năng lượng Việt Nam trị giá 108 triệu Euro do EU tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021. Chương trình SETP được ký vào thời điểm EU đã phê chuẩn Chương trình hỗ trợ đa mục tiêu Việt Nam-EU 2021-2027.
“Qua Chương trình này, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Chương trình SETP bao gồm hợp phần hỗ trợ ngân sách 121 triệu EUR và 04 hợp phần các biện pháp hỗ trợ bổ sung trị giá 21 triệu Euro”, Thứ trưởng thông tin.
Việt Nam nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh
Về phía EU, ông Julien Guerrier, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng xanh và những thành quả mà Chính phủ Việt Nam cũng như khu vực tư nhân đã đạt được.
Ông Julien Guerrier nhấn mạnh, Liên minh châu Âu đang tích cực hành động thúc đẩy thực hiện chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng JETP thông qua các chương trình hợp tác, đối thoại ở mức độ quốc gia, cùng như sự tham gia tích cực thực hiện của khu vực tư nhân.
Năm 2023, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đây cũng là bước tiến quan trọng, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức của Chính phủ khi thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong bối cảnh đó, vai trò của diễn đàn trao đổi chính sách như Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển.
Cần cơ chế linh hoạt hơn
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, các dự án đều có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, thiết thực với tình hình cũng như định hướng phát triển về chuyển dịch năng lượng bền vững.
“Năm 2024, chúng ta cần có cơ chế linh hoạt hơn để tháo gỡ khó khăn, sửa đổi điều chỉnh bổ sung về tiến độ và nội dung một cách linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia thực hiện dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất.
Đại sứ Julien Guerrier chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tiến độ giải ngân đợt 1 và đợt 2, đạt 100% mức giải ngân theo kế hoạch và cho rằng các dự án đã triển khai bước đầu thành công tốt đẹp; đồng thời nhất trí và thông qua kế hoạch hoạt động đã trình bày tại phiên họp.
Chương trình SETP bao gồm 4 hợp phần các biện pháp hỗ trợ bổ sung trị giá 21 triệu Euro: Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam-EU (Dự án EVSET); dự án Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (Dự án IEEP) (UNIDO); dự án Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng (Dự án AsIS4EE) (GGGI); dự án Nâng cao nhận thức cộng đồng về Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (Oxfam).
Ban chỉ đạo Chương trình SETP đã ra mắt và có phiên họp lần thứ nhất vào ngày 10/5/2022. Sau phiên họp này Ban chỉ đạo đã phê duyệt các kế hoạch hoạt động hằng năm và giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra cua Hiệp định tài chính đã ký.
Ban Chỉ đạo do Bộ Công Thương và EU đồng chủ trì bao gồm, lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo Phái đoàn EU tại Việt Nam, các đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (DEESD), Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (EAMD) và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) thuộc Bộ Công Thương và các tổ chức được ủy thác sẽ tiếp tục giám sát toàn bộ hoạt động của Chương trình.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu