“Giáo dục khuyên nhủ” và “kỷ luật tích cực”: Làm thế nào cho đúng?
“Giáo dục khuyên nhủ” và “kỷ luật tích cực”: Làm thế nào cho đúng?
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, cần phân biệt giữa “kỷ luật tích cực” và “kỷ luật trừng phạt” sẽ đem lại các hiệu quả khác nhau.
Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội chia sẻ rầm rộ quan điểm của một chuyên gia cho rằng giáo dục khuyên nhủ không sử dụng hình phạt đang hủy hoại giới trẻ. Trong đó, có ý kiến cho rằng trẻ nhỏ không bị phạt sẽ nảy sinh tâm lý coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận của các bậc phụ huynh, thầy cô và dư luận xã hội.
Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nếu quy kết giáo dục bằng khuyên nhủ đang dần hủy hoại giới trẻ là rất khiên cưỡng.
PGS.TS Trần Thành Nam.
Bởi quan điểm cho rằng giáo dục bằng lời khuyên là phản tác dụng thì cần phải xem xét cách thức đưa ra lời khuyên có đúng không và người đưa ra lời khuyên có phải là tấm gương xứng đáng không, mối quan hệ giữa người đưa ra lời khuyên và người nhận lời khuyên có gần gũi và chân thành với nhau hay không.
Một số trường hợp cha mẹ giáo dục con cái bằng lời khuyên nhưng con cái không nghe, thậm chí làm trái thì không phải là lời khuyên vô dụng mà chính là vì bản chất mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không hài hòa.
Do đó, điều cần làm ở đây không phải là lên án hoặc quy kết giáo dục bằng lời khuyên phản tác dụng mà cần xem xét lại mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục này, để giáo dục con trẻ hiện nay chúng ta cần lưu ý phân biệt giữa kỷ luật tích cực và kỷ luật truyền thống.
Cụ thể, kỷ luật tích cực là việc tạo điều kiện cho trẻ tự giác đi vào khuôn phép trong một bầu không khí tích cực, giúp trẻ ý thức được rõ về mối quan hệ giữa lựa chọn hành vi và hệ quả. Qua đó, giúp trẻ sẽ học được ý thức trách nhiệm. Cha mẹ, thầy cô sẽ chỉ là người chứng kiến, ghi nhận sự thay đổi tích cực mà không cần trừng phạt hoặc phán xét nhưng trẻ vẫn trở nên kỷ luật hơn.
Việc giáo dục con trẻ cần lựa chọn phương pháp phù hợp mới đem lại kết quả tốt.
Trong khi đó, kỷ luật truyền thống dựa trên sự trừng phạt về thể xác như dùng roi vọt, mắng chửi, so sánh con mình với con người ta khiến trẻ nhỏ xấu hổ và sợ hãi để giáo dục thường không đem lại kết quả.
Việc kỷ luật (trừng phạt) theo hình thức này sẽ khiến trẻ tư duy ít linh hoạt, giảm sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện và chưa chắc đã khiến con trẻ tự giác thực hiện theo những gì người lớn muốn và tính kỷ luật.
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, để hình thành nên tính cách của trẻ, cha mẹ và thầy cô cần thường xuyên khen thưởng khi con trẻ đưa ra những lựa chọn, hành vi tích cực. Từ đó, con trẻ sẽ học được cách lựa chọn, học tập những hành vi, suy nghĩ tích cực và khái quát thành một kỹ năng để có thể làm chủ bất cứ khi nào gặp vấn đề.