Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/1/2024
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/1/2024
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 24/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Thủ tướng ban hành Công điện chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài
Công điện gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Công điện nêu: Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông năm 2023-2024. Trong đợt rét này, ở Bắc Bộ nhiệt độ có khả năng thấp nhất từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ; khu vực Trung Trung Bộ từ 12-15 độ. Ngoài ra, các vùng biển trên khu vực Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 9; biển động mạnh. Tình trạng biển động còn kéo dài trong nhiều ngày.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1404/CĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2023 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
– Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…
– Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
– Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.
3. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động tích cực, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng đến các cơ quan chức năng và người dân.
6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Khi nào mới hết rét đậm, rét hại?
Hôm nay (24/1) giá rét tiếp tục bao trùm miền Bắc và Bắc Trung Bộ với nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Mẫu Sơn sáng sớm nay là -2,9 độ, mức nhiệt thấp nhất được ghi nhận trong mùa đông năm nay.
Nhiều khu vực khác có nhiệt độ rất thấp như Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 1,5 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 1,6 độ, Sa Pa (Lào Cai) 2,6 độ, tại Pha Đin (Điện Biên) 2,3 độ, Mộc Châu (Sơn La) là 3,2 độ.
Các khu vực khác ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến dưới 10 độ. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ thấp nhất những ngày qua là 8,5 độ, ghi nhận sáng sớm nay tại Ba Vì và Hoài Đức.
Dự báo trong ngày 25/1, miền Bắc tiếp tục chìm trong giá rét với nhiệt độ thấp nhất vùng núi từ 3-6 độ, vùng núi cao dưới 0 độ, các nơi khác ở miền Bắc từ 8-10 độ. Khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ, Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ ngày 12-15 độ, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi từ 16-19 độ.
Ngày 26/1, nền nhiệt ở các khu vực trên tăng từ 1-2 độ. Khu vực vùng núi từ 4-7 độ, vùng núi cao dưới 0 độ, các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 9-12 độ, Nghệ An – Hà Tĩnh từ 11-13 độ, Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 12-15 độ, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi từ 16-19 độ.
Tuy nhiên, từ 26/1, thêm một đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông tràn xuống nước ta. Vì vậy, miền Bắc, Bắc Trung Bộ từ 26-29/1 chuyển mưa nhỏ rải rác, làm tăng cảm giác giá buốt.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến khoảng ngày 29/1. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này vùng núi cao tiếp tục có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Từ 30/1, nền nhiệt bắt đầu tăng, miền Bắc, Bắc Trung Bộ tiếp tục rét nhưng vượt qua ngưỡng rét hại, rét đậm chỉ còn xuất hiện cục bộ.
Cùng với giá rét, các tỉnh miền Trung còn đón mưa lớn. Hôm nay (24/1), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa to và dông với lượng mưa tính từ 00h đến 14h ngày 24/1 có nơi trên 90mm như Dung Quất (Quảng Ngãi) 118.8mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 92.2mm.
Dự báo chiều tối và đêm 24/1, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa to và dông với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 40mm.
Cơ quan khí tượng nhận định, từ ngày 26-29/1, khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa rải rác, trời tiếp tục rét. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Lạng Sơn: Hơn 2.000 lượt khách đến Mẫu Sơn ngắm băng giá
Ngay từ chiều tối ngày 22/1, rất đông du khách đã bắt đầu di chuyển lên núi Mẫu Sơn để ngắm băng giá. Đến ngày hôm nay (23/1), băng giá trên đỉnh núi Mẫu Sơn trở nên dày và đẹp hơn nên càng thu hút đông đảo du khách.
Theo thông tin từ Trạm khí tượng Mẫu Sơn, nhiệt độ tại đỉnh Mẫu Sơn vào 13 giờ chiều ngày 23/1 là -1,6 độ C. Vì vậy, toàn bộ đỉnh núi Mẫu Sơn tiếp tục được bao phủ trong lớp băng giá.
Trước tình trạng nhiều cung đường nhỏ dẫn từ chân núi lên đỉnh Mẫu Sơn có hiện tượng tắc đường cục bộ, lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông, chỉ dẫn xe. Theo đó, các xe sẽ đi lên khu du lịch theo đường ngã ba Bản Tẳng, tỉnh lộ 421 nối quốc lộ 4B. Đối với chiều xe xuống, du khách sẽ đi từ km số 22 rẽ về đường Công Sơn, ra xã Hải Yến để tới thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc).
Theo thông tin dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt độ tại khu vực đỉnh Mẫu Sơn sẽ hạ thấp, hiện tượng băng giá sẽ tiếp tục duy trì trong 2 ngày tới.
Tuy Hoà: Bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị đón Tết Giáp Thìn
Theo UBND TP Tuy Hòa, lượng rác thải vào dịp tết trên địa bàn thành phố dự kiến tăng khoảng 40-50% so với ngày thường. Bên cạnh rác thải sinh hoạt bình thường thì cũng sẽ phát sinh rất nhiều điểm tập kết các loại rác thải cồng kềnh như bàn ghế cũ, nệm cũ… gây khó khăn cho các đơn vị thu gom.
Chính vì thế, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, thành phố cũng sẽ hợp đồng thêm các phương tiện xe tải loại nhỏ, công nhân để tăng cường thu gom rác; đảm bảo các tuyến đường đều sạch đẹp trong dịp tết.
Đại diện Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, một trong những đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Tuy Hòa cho biết: Những ngày cuối năm, hàng trăm công nhân quét rác của công ty tăng ca cả ngày lẫn đêm và cả đêm giao thừa mới đáp ứng được khối lượng công việc phát sinh.
Tại các khu vực như chợ Tuy Hòa, chợ Hoa xuân, các công viên, bãi biển…, lượng rác thải sẽ rất lớn. Đội thu gom sẽ tập trung tổng vệ sinh tại các điểm công cộng này. Đối với khu vực chợ Hoa xuân, công ty sẽ làm việc với đơn vị tổ chức, vận động người dân kết thúc việc bán hoa trước 22 giờ, không đập vỡ các chậu cây cảnh trong khu vực này để thuận lợi cho công tác thu gom rác.
Về trang thiết bị phục vụ thu gom rác, công ty đã kiểm tra, sửa chữa xe thu gom rác, tưới nước, lu đầm rác…, đảm bảo tất cả phương tiện hoạt động 100% công suất. Dự kiến đến mùng 2 tết, việc thu gom rác sẽ được thực hiện trở lại.
Để đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, TX Sông Cầu đã chỉ đạo các xã, phường vận động người dân tập kết rác đúng giờ, đúng vị trí, không vứt rác bừa bãi, nhất là trong những ngày giáp tết và đêm giao thừa. Theo ông Võ Ngọc Thạch, từ 27 tháng Chạp trở đi, đơn vị thu gom huy động toàn bộ phương tiện, tăng cường nhân lực tổ chức thu gom rác thải.
Trong ngày 30 tết, việc thu gom rác tại các khu vực dân cư trên địa bàn sẽ được thực hiện dứt điểm trước 17 giờ; sau đó các xe thu gom rác thải sẽ tập trung về khu vực chợ và các phường trung tâm – những nơi có lượng rác thải lớn để tổ chức thu vét lượng rác phát sinh. Mục tiêu là không để rác tồn đọng qua đêm, gây mất vệ sinh môi trường cũng như mỹ quan đô thị.
Đồng Nai: Kênh Rạch Mọi hết ô nhiễm sau kiểm tra, xử lý
Tin trên Người đưa tin, ngày 24/1, tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, đã gửi văn bản thông báo kết quả về việc kiểm tra, xử lý đối với vi phạm của hộ kinh doanh Trần Văn Hiển hoạt động sản xuất bún tươi tại ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa.
Báo cáo cũng đề nghị UBND huyện Vĩnh Cửu chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Vĩnh Cửu, UBND xã Bình Hòa: Giám sát việc thực hiện khắc phục hậu quả hành vi vi phạm của hộ kinh doanh Trần Văn Hiển (hoạt động sản xuất bún); Kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở có nguồn xả thải vào Rạch Mọi, không để tình trạng các cơ sở xả nước thải chưa qua xử lý vào Rạch Mọi gây ô nhiễm môi trường.
Như tin đã đưa, ngày 3/1 từ những phản ánh của người dân sống hai bên kênh Rạch Mọi (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu), về việc con rạch có dấu hiệu bị ô nhiễm khi nước có màu đen và bốc mùi hôi. PV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận sự việc.
Qua những hình ảnh ghi nhận được tại hiện trường, tại thời điểm trên, có một đường ống đang xả nước thải vào cống Rạch Mọi (chảy qua Tỉnh lộ 768) rồi chảy ra sông Đồng Nai. PV đã liên hệ các cơ quan chức năng để ghi nhận ý kiến và có bài phản ánh.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra của huyện Vĩnh Cửu do ông Trần Anh Vũ, Phó phòng TN&MT; ông Lâm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cùng công chức địa chính xã, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (TTKTTN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đi kiểm tra, rà soát, xác định nguồn xả thải gây ra tình trạng nguồn nước kênh Rạch Mọi.
Tại buổi kiểm tra, khảo sát thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện một đường ống thoát nước (Ø 140mm) được đấu nối từ một cơ sở sản xuất bún tươi nằm trên ấp Thái Sơn, xã Bình Hòa xả vào cống thoát nước mưa dọc theo đường ĐT 768 rồi chảy ra kênh Rạch Mọi.
Sau khi phát hiện, Đoàn kiểm tra đã điều máy xúc tới hiện trường đào đất, lấy nước chảy ra từ ống xả để đánh giá chất lượng nước thải để có cơ sở xử lý, đồng thời cắt ống xả nước thải rồi tiến hành bịt kín để ngăn chặn hành vi xả thải.
Ngày 8/1, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Cửu, Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu, UBND xã Bình Hòa cùng với PV Người Đưa Tin có mặt tại Rạch Mọi để ghi nhận hiện trạng sau xử lý.
Kết quả, nguồn nước tại khu vực Rạch Mọi đã trở lại trạng thái ban đầu, không có mùi hôi và nước không còn màu trắng đục.
Nhật Bản hứng chịu đợt rét đậm kỷ lục
Tính đến 8 giờ sáng 24/1 (theo giờ địa phương), mật độ tuyết rơi đã tăng nhanh ở các tỉnh Fukui và Shiga, trong đó thành phố Nagahama – tỉnh Shiga tuyết rơi dày 45 cm, thành phố Joetsu – tỉnh Niigata 28 cm, thành phố Toyooka – tỉnh Hyogo 23 cm, thành phố Toyama và thành phố Sakaiminato – tỉnh Tottori lần lượt là 22 cm và 15 cm…
Tại thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa – nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất xảy ra ngày 01/01 vừa qua, lượng tuyết rơi dày 13 cm.
Dự kiến trong 24 giờ tới, tại các khu vực biển phía Đông và Tây Nhật Bản, lượng tuyết rơi dày sẽ tăng lên đáng kể, trong đó cao nhất là tại tỉnh Niigata 90 cm, Kinki 80 cm, các vùng Hokuriku, Tohoku, Tokai và Chugoku 70 cm… Tuyết rơi dày và tích tụ sẽ xảy ra ngay cả ở một số nơi được cho là bằng phẳng thuộc vùng Tokai, Kinki, Shikoku và Kyushu – những nơi thường có ít tuyết.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về khả năng “tuyết rơi dày đáng kể” tại Shiga và Fukui, cảnh báo những tác động tiêu cực và những nguy cơ đối với người tham gia giao thông, cảnh báo về khả năng sập nhà do tuyết tích tụ.
Tại khu vực Hokuriku và miền Bắc Nhật Bản, các cơn bão dữ dội dự kiến sẽ xảy ra chủ yếu trên biển từ nay cho đến ngày 25/1. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phải đưa ra cảnh báo về khả năng sóng cao, gió giật mạnh, sét đánh và lốc xoáy, khả năng tuyết lở và những nguy cơ cao ảnh hưởng đến giao thông do tình trạng tuyết tích tụ và đường bị đóng băng; đồng thời khuyến nghị người dân thường xuyên cập nhật, kiểm tra thông tin thời tiết và giao thông mới nhất, hạn chế ra ngoài trừ khi cần thiết.
Tại các khu vực vốn đã chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất trên Bán đảo Noto, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo người dân sẵn sàng đề phòng khả năng mất điện vào ban đêm, đảm bảo thực hiện các biện pháp giữ ấm, thường xuyên vận động cơ thể và đảm bảo an toàn tối đa. Mặt khác, mặc dù số lượng dư chấn xảy ra ở các khu vực trong và xung quanh Noto đang giảm dần, nhưng hoạt động địa chấn vẫn được đánh giá ở mức cao. Tính đến 4h sáng nay, ít nhất 1.506 dư chấn có độ lớn từ 1 trở lên được quan sát thấy. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản tiếp tục kêu gọi người dân cẩn thận với các dư chấn có độ lớn tối đa từ 5 trở lên trong khoảng tuần tới.
Trong khi đó, tuyết rơi dày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân Nhật Bản trong những ngày qua. Theo Hội đồng Giáo dục tỉnh Hokkaido, bắt đầu từ ngày 23/1, tổng cộng 207 trường học tại tỉnh này phải đóng cửa tạm thời để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh. Các hãng hàng không của Nhật Bản cũng cho biết, kể từ hôm qua đến nay, gần 100 chuyến bay nội địa bị ảnh hưởng và phải hủy bỏ. Các hãng hàng không Nhật Bản cũng khuyến nghị mọi hành khách cần cập nhật và thường xuyên kiểm tra thông tin chuyến bay.
Trong một tuyên bố mới nhất, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản – ông Hayashi Yoshimasa cũng khuyến cáo: “Không khí lạnh mạnh nhất trong mùa đông năm nay đang tràn vào và có nguy cơ xảy ra tuyết rơi dày đặc ở khắp các vùng trên cả nước. Mọi người dân vui lòng hạn chế ra ngoài trừ khi cần thiết, đề phòng khả năng sập nhà do tuyết tích tụ; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết và giao thông mới nhất”.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị