Một số thực phẩm giúp tăng nhiệt độ cơ thể trong ngày rét đậm
Một số thực phẩm giúp tăng nhiệt độ cơ thể trong ngày rét đậm
Nhiều loại thực phẩm có khả năng làm tăng nhiệt độ cơ thể khi cái lạnh mùa đông kéo đến.
Barry Swanson, giáo sư và nhà khoa học thực phẩm tại Đại học Bang Washington (Hoa Kỳ), chia sẻ rằng một số thực phẩm làm tăng nhiệt độ cơ thể nhiều hơn những thực phẩm khác. Khi cơ thể bạn bắt đầu tiêu hóa, bạn sẽ cảm thấy ấm áp vì cơ thể phải cung cấp năng lượng để tiêu hóa thực phẩm đó. Nếu bạn thấy mình run rẩy trong mùa đông này ngay cả khi bạn đã sưởi ấm hoặc mặc nhiều quần áo ấm, nên kiểm tra lại chế độ ăn uống của mình.
Vào mùa đông, nhất là những ngày nhiệt độ giảm sâu, cơ thể cần nhiều calo hơn để hỗ trợ công việc giữ ấm, hãy cân nhắc việc tăng nhiệt độ cơ thể bằng thức ăn. Những thực phẩm làm tăng nhiệt độ cơ thể sẽ giúp bạn làm ấm từ trong ra ngoài.
Ăn những thực phẩm làm tăng nhiệt độ cơ thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, ấm áp và chịu lạnh tốt hơn. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giữ ấm trong mùa lạnh.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh thường không phong phú vào mùa đông. Tuy nhiên, bạn có thể tìm thấy rau bina và cải xoăn cũng như một số rau họ cải khác. Chúng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch; vitamin K giúp đông máu; vitamin A quan trọng đối với thị lực.
Ý tưởng thực đơn: Mùa lạnh nên bổ sung một ít chất béo để tăng năng lượng. Do đó, gợi ý cho món xào với rau bina, cải xoăn là một lựa chọn tốt. Bạn cũng có thể thêm rau vào món salad trộn với dầu oliu nguyên chất.
Rau củ mùa đông
Các loại rau củ như củ cải, cà rốt, súp lơ, bông cải xanh rất dồi dào trong những tháng mùa đông và chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm beta-carotene, vitamin C và A, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cần thiết để bảo vệ bạn khỏi cảm lạnh, cúm.
Ý tưởng thực đơn: Thêm bông cải xanh, súp lơ trắng và ớt chuông giàu vitamin C vào bất kỳ món ăn nào. Dùng dầu oliu rưới lên các loại rau củ đã thái lát và nướng chúng từ từ trong lò nướng cho đến khi đường tự nhiên của chúng chuyển sang màu caramen.
Trái cây có múi
Các loại trái cây này rất giàu vitamin C tăng cường cả hệ thống miễn dịch và tâm trạng của bạn. Các loại trái cây có múi truyền thống bao gồm trái cây họ cam quýt như cam, bưởi và chanh.
Ý tưởng thực đơn: Nếu mùa đông bạn không thích sinh tố thì nên sử dụng các loại trái cây vào món salad hoặc làm các món có sốt chanh/cam tươi để nhận đủ vitamin C.
Thực phẩm giàu vitamin D
Thực phẩm giàu vitamin D rất cần thiết trong những tháng mùa đông ít nắng. Cá hồi là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời, cũng như lòng đỏ trứng, ngũ cốc tăng cường, sữa, thịt đỏ và nấm đông cô.
Ý tưởng thực đơn: Xoa một ít dầu oliu lên phi lê cá hồi và rắc củ gừng băm nhuyễn lên trên, đem nướng chín và thưởng thức.
Các loại đậu giúp tăng nhiệt độ
Các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván, đậu phộng chứa đầy đủ protein và chứa gần như tất cả các acid amin thiết yếu, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Với chất béo lành mạnh và nhiều protein, chúng là món ăn nhẹ thông minh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng cũng sẽ giúp bạn chống lại nhiệt độ giảm khi trời lạnh.
Loại đậu được yêu thích trong mùa đông là đậu phộng. Đậu phộng chứa nhiều vitamin B3, giúp thúc đẩy lưu lượng máu và khởi động quá trình trao đổi chất của bạn. Đây là thành phần quan trọng giúp chống lại cảm lạnh.
Ý tưởng thực đơn: Thêm đậu vào món canh hầm hoặc súp hoặc trộn chúng với dầu oliu nguyên chất, nước cốt chanh trong món salad yêu thích của bạn.
Súp thịt hầm rau củ
Súp là món ăn mùa đông hoàn hảo, miễn là nó được làm tại nhà hoặc có hàm lượng natri thấp. Để có món súp lành mạnh ít natri, nên tránh xa các công thức nấu ăn yêu cầu kem, thịt bò và muối, đồng thời sử dụng những công thức sử dụng nước luộc gà, nước luộc rau hoặc nước làm nước dùng và yêu cầu nhiều rau củ.
Ý tưởng thực đơn: Thêm các loại rau củ hoặc đậu vào món súp để có thêm chất xơ và protein không chứa chất béo.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt và gạo lứt là một loại carbohydrate phức hợp mà cơ thể sẽ mất nhiều thời gian để phân hủy từ từ, dẫn đến sự giải phóng năng lượng kéo dài và làm tăng nhiệt độ cơ thể. Quinoa và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác như bột yến mạch và kiều mạch cung cấp protein và chất xơ. Bột yến mạch là bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ mùa đông rất tốt. Nó chứa nhiều kẽm, chất mà hệ thống miễn dịch cần để hoạt động bình thường và chất xơ hòa tan, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Ý tưởng thực đơn: Thêm ngũ cốc nguyên hạt đã nấu chín vào món salad giúp no lâu hơn và mua bánh mì, bánh quy giòn được làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Thêm quế, bạch đậu khấu hoặc hạt nhục đậu khấu vào bột yến mạch giúp làm tăng hương vị của nó mà không cần thêm calo, chất béo, đường hoặc muối.
Sữa chua Hy Lạp
Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein cao hơn so với các loại sữa chua khác và là nguồn cung cấp vitamin B12, canxi và men vi sinh tuyệt vời, giúp giữ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột của bạn.
Ý tưởng thực đơn: Làm ngọt sữa chua Hy Lạp bằng chuối hoặc quả mọng, hoặc thêm vào món sinh tố một ít sữa không đường.
Các loại hạt và quả hạch
Các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười có nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất vi lượng. Đảm bảo mua các loại hạt sống, không ướp muối hoặc ít muối thay vì các loại hạt có đường, muối hoặc được thêm vào hỗn hợp thanh ăn kiêng làm sẵn.
Ý tưởng thực đơn: Phủ nhẹ quả óc chó hoặc các loại hạt khác, cũng như khoai lang, củ cải đường hoặc đậu xanh với dầu oliu rồi nướng chúng trong lò nướng và thưởng thức chúng như một bữa ăn nhẹ.
Các nghiên cứu cho thấy những thực phẩm bạn tiêu thụ hàng ngày thường có tác dụng sinh nhiệt ảnh hưởng đến cơ thể. Cơ thể con người trải qua quá trình sinh nhiệt khi tiêu hóa thức ăn. Đây là một quá trình trong đó cơ thể tỏa ra một lượng nhiệt nhất định để chuyển hóa thức ăn. Do đó, loại thực phẩm bạn ăn có ảnh hưởng tới sự giảm hoặc tăng của nhiệt độ cơ thể.
Nói chung, thực phẩm làm tăng nhiệt độ cơ thể là những thực phẩm mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Bởi vì quá trình tiêu hóa cần năng lượng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể. Thực phẩm phức hợp có nhiều chất béo, carbohydrate phức hợp và protein là những thực phẩm sinh nhiệt vì chúng kích thích cơ thể nóng lên trong quá trình tiêu hóa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị