Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn tại Bình Định được công nhận Bảo vật Quốc gia
(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 73, công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 của năm 2023 cho 29 hiện vật, nhóm hiện vật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh Bình Định có hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận Bảo vật Quốc gia.
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận bảo vật quốc gia. |
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (còn gọi là thành Hoàng Đế) ở niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện đối xứng, thường đặt đứng hai bên cửa ra vào đền/tháp Champa.
Cả hai tượng sư tử được tạc bằng chất liệu đá sa thạch rất giống nhau, thể hiện là giống đực, có dạng tượng tròn. Mỗi tượng sư tử cao 1,05m, dài 1,2m, lưng rộng nhất 0,6m, mỗi tượng nặng khoảng 700kg, trong đó, một tượng có phần bệ bị vỡ phần trước, bên phải tượng cũng bị vỡ.
Hai tượng sư tử được tạc các chi tiết trang trí và tư thế giống nhau, hai chân trước chống lên, đầu ngẩng cao, mông hơi đẩy từ phía sau, ngực ưỡn thẳng về phía trước, phần bụng sau nằm xuống đất. Vì hai chân trước tạc ngắn và mất cân đối nên nhìn hai bên như hai con sư tử đang nằm. Đây cũng là nét đặc trưng riêng khác hẳn những tượng sư tử Champa được phát hiện và biết tới từ trước đến nay.
Phần đầu sư tử to khỏe, miệng há rộng, mặt hơi hếch lên với trán rộng, mũi to thô, hàm răng sắc nhọn, răng nanh chìa hai bên, mép trên và hai lỗ mũi được nhấn bằng hai đường gờ nổi song song viền quanh. Trán sư tử trang trí hoa văn hai lớp, lớp dưới là hạt chấm tròn kết dải, giữa trán tạc họa tiết hình lá đề bên trong có vòng tròn nhỏ, lớp trên là hoa văn hình vuốt uốn cong tạo nối tiếp nhau tạo nên băng trang trí.
Hai mắt to tròn lồi nhô lên, đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá tròn nhọn đầu với hai đường mép ngoài uốn cong xoắn vào giữa lỗ tai. Cổ ngắn, vai và ngực được thể hiện như một tấm choàng; trên cổ đeo một vòng lục lạc khá lớn; thân tròn thon, hơi bè ngang, đuôi vắt ngược lên thân bị mất. Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân có đeo vòng trang trí tạo bởi những hạt tròn kết dải.
Hai tượng sư tử được tạc các chi tiết trang trí và tư thế giống nhau. |
Hai tượng sư tử đá này được phát hiện vào năm 1992 tại thôn Bả Canh, xã Nhơn Hậu, thuộc thị xã An Nhơn, ở gần tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn. Ngoài phát hiện hai tượng sư tử đá, người dân địa phương còn phát hiện một hố chôn tượng Gajashimha (con vật đầu voi mình sư tử). Sau đó, những tượng đá này được đưa về Trung tâm Văn hóa –Thông tin – Thể thao thị xã An Nhơn quản lý. Đến năm 1999, những hiện vật điêu khắc đá Champa này được đưa về Bảo tàng tỉnh Bình Định quản lý, trưng bày.
Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, tỉnh Bình Định thống nhất tên gọi “Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn” – tên gọi này gắn với địa danh nơi phát hiện để thuận lợi cho việc phân tích, so sánh các yếu tố nghệ thuật với các tượng sư tử được phát hiện ở các địa phương như: Sư tử Đồng Dương, sư tử Trà Kiệu, sư tử Chánh Lộ, sư tử tháp Mẫm.
Nguồn: Báo xây dựng