QCVN về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử có gì đáng chú ý?
Điện năng mang đến nhiều lợi ích cho con người, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, nó lại tồn tại mối nguy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Chính vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng điện, Bộ Khoa học & Công nghệ đã ban hành QCVN 4 : 2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử.
Quy chuẩn kỹ thuật này quy định yêu cầu về an toàn và quản lý đối với thiết bị điện và điện tử được quy định trong Danh mục tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này. Danh mục có thể được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đó, các thiết bị điện và điện tử quy định tại phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này phải bảo đảm an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tương ứng được quy định rất cụ thể trong quy chuẩn. Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR ) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thiết bị điện và điện tử phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy và dán tem CR.
Thiết bị điện và điện tử phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 “thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Giấy chứng nhận hợp quy khi đánh giá theo phương thức 5 có giá trị hiệu lực không quá 3 năm.
Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Doãn Trung