EVN sẽ đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm

(Xây dựng) – Liên quan đến những nội dung của Kết luận thanh tra số 3116 của Thanh tra Chính phủ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao các Ban, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tự kiểm điểm, đánh giá và xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục.

EVN sẽ đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với EVN.

Như Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin, ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 3116/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, Kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải; thực hiện các quy định của pháp luật về giá mua điện, điều chỉnh giá điện…

Trên cơ sở Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với EVN, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan, Ban Quản lý các dự án điện 2 về những khuyết điểm, vi phạm.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN, các công ty điện lực tỉnh rà soát đối với các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng; xem xét, xử lý việc áp dụng giá điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2. Thực hiện đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện truyền thông của EVN cho biết: Căn cứ Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Công văn số 10011/VPCP-V.I ngày 22/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận thanh tra số 1027; Thông báo số 3116/TB-TTCP ngày 25/12/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Công văn số 9294/BCT-TTB ngày 29/12/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1027; EVN đã giao các Ban, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tự kiểm điểm, đánh giá và xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục. Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm điểm của các Ban, đơn vị, trường hợp xét thấy cần thiết, EVN sẽ tổ chức đánh giá, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan theo quy định và phân cấp thẩm quyền.

Được biết, tháng 11/2023, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 06 bị can để điều tra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó có 02 cán bộ của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) gồm: Trần Quốc Hùng – Phó Trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực; Trịnh Văn Đoàn – chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực. 04 người là cán bộ của Tập đoàn Điện lực gồm: Nguyễn Danh Sơn – Giám đốc Công ty Mua bán điện; Nguyễn Hữu Khải – Trưởng Phòng Kinh doanh mua điện Công ty Mua bán điện; Đỗ Ngọc Tuyền – chuyên viên của phòng này; Trương Hoàng Dũng – chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin Công ty Mua bán điện.

Đầu tháng 01/2024, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Quốc Vượng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan đến những “lùm xùm” tại EVN trong thời gian qua, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN làm rõ trách nhiệm, kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Bao gồm xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách một Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện; kỷ luật khiển trách với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, đề xuất kỷ luật khiển trách với một nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn. Các trường hợp này vượt thẩm quyền nên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang báo cáo các cấp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích