Cần hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho phát triển đường sắt đô thị
Vướng mắc khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT). Trong đó có 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6km đi ngầm). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (Tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông) và đang triển khai thi công 12,5km (Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội), như vậy theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 TP.Hà Nội phải hoàn thành 404,8km tuyến ĐSĐT còn lại.
Hiện nay, tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành, được nhân dân TP chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác. Sắp tới UBND TP.Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP.Hà Nội đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, cũng như UBND TP.Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến ĐSĐT số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Trong số những nguyên nhân của việc chậm tiến độ đó là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.
Về vấn đề trên, TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng tư vấn về phát triển ĐSĐT TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cấp thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho ĐSĐT để có thể triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những giải pháp quyết liệt là thống nhất hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, bên cạnh các giải pháp tổng thể khác như phân quyền; huy động nguồn lực từ đất đai; thay đổi cách thức quản lý, thực thi dự án…
Ảnh minh hoạ.
Nêu rõ sự khác nhau về tiêu chuẩn đang áp dụng cho các tuyến ĐSĐT hiện nay của Việt Nam, ông Quốc cho rằng, điều đó gây lãng phí nguồn lực, không tận dụng được thiết bị, các sản phẩm kỹ thuật (bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…); không có sự thống nhất trong cách vận hành và khai thác, khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến đường sắt được thiết kế, vận hành theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Đồng thời, khó khăn cho công tác thẩm tra, thẩm định vì mỗi tiêu chuẩn đòi hỏi sự hiểu biết, kinh nghiệm khác nhau; tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đôi khi tạo sự thiên vị cho các công ty ở quốc gia đề ra tiêu chuẩn…
Trên cơ sở đó, ông Quốc đề xuất phải phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho hệ thống ĐSĐT của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn cần rất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống ĐSĐT thời gian tới, có thể áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sẵn có với những điều kiện đặc thù mang tính địa phương như tải trọng, môi trường. Theo ông Quốc, tiêu chí lựa chọn tiêu chuẩn này là đã được áp dụng và kiểm chứng qua nhiều dự án ở nhiều nơi trên thế giới; dễ dàng tìm kiếm thông tin, dễ dàng tiếp cận tư liệu; thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa những thực thể liên quan đến công tác thiết kết, tư vấn và xây dựng.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cần đồng bộ
Cũng chỉ ra thực trạng các tuyến ĐSĐT hiện nay đang áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật rất khác nhau, TS. Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Kinh tế vận tải đường sắt, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng áp dụng đồng bộ, thống nhất cho các tuyến ĐSĐT sắp xây dựng tại Việt Nam là rất cần thiết. Từ hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn này mới xác định được công nghệ ĐSĐT nào được lựa chọn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hóa các quy trình xây dựng mới và chuyển dịch tiêu chuẩn; phân cấp mức độ quan trọng, cấp thiết và ưu tiên để xây dựng tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng được nhu cầu áp dụng khi triển khai các dự án ĐSĐT tiếp theo; đưa ra lộ trình xây dựng các tiêu chuẩn. Bà An đề nghị, hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT tại Việt Nam cần được xây dựng theo trình tự từ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật…
Ông Yu Tao, Kỹ sư Trưởng Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải đường sắt đòi hỏi hệ thống tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo hoạt động trơn tru.
Dựa trên nghiên cứu các dự án giao thông vận tải đường sắt đã hoàn thành và đang xây dựng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể thiết lập một hệ thống quy phạm về giao thông vận tải đường sắt thống nhất để đảm bảo tính tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt trong thành phố, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, nâng cao hiệu quả giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Ông Yu Tao chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình xây dựng tàu điện ngầm ở các thành phố của Trung Quốc, việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là “chìa khóa” cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.
TS. Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần thiết phải tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ĐSĐT tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới…
Phong Lâm