Lần đầu tiên công bố các tư liệu quý về dấu tích Cung Đấu xảo Hà Nội
Triển lãm tài liệu lưu trữ “Đấu xảo – Nơi tinh hoa hội tụ” sẽ phác thảo không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế, nơi hội tụ tinh hoa Việt, từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Tòa nhà trung tâm Cung Đấu xảo Hà Nội. Nguồn: Gallica.bnf.fr |
Ngày 26/1, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ khai mạc triển lãm “Đấu xảo – Nơi tinh hoa hội tụ” giới thiệu những hình ảnh của Cung Đấu xảo Hà Nội, bao gồm nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.
Triển lãm sẽ phác thảo không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Qua đó, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu cho đông đảo công chúng nguồn tài liệu lưu trữ phong phú và có giá trị về Việt Nam qua hoạt động đấu xảo đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản tư liệu cho xã hội.
Ít người biết rằng khu vực Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô ngày nay từng có một Cung Đấu xảo nguy nga, tráng lệ bậc nhất Đông Dương. Trải qua thời gian, công trình này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn đôi sư tử bằng đồng hiện đang đặt tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội.
Toàn cảnh Cung Đấu xảo Hà Nội. |
Năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tổ chức một hội chợ triển lãm quốc tế có quy mô lớn ở Hà Nội để giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Kỳ, cùng với hiện vật văn hóa của Đông Dương và Viễn Đông. Kiến trúc sư Adolphe Bussy đã được giao trọng trách thiết kế Cung Đấu xảo Grand Palais Hà Nội, phỏng theo công trình Grand Palais Paris, Pháp.
Như vậy, Cung đấu xảo có thể hiểu là nơi trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo của các sản phẩm và tay nghề của nghệ nhân.
Công trình rộng 17ha trên Đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) được khánh thành vào chiều 26/2/1902. Buổi lễ có sự hiện diện của Toàn quyền Paul Doumer, Vua Thành Thái, các tướng lĩnh, quan chức, nhân sự cấp cao và nhiều khách mời đến từ khắp nơi trong Đông Dương.
Khi quân Nhật xâm chiếm Việt Nam, Cung Đấu xảo đã bị biến thành căn cứ quân sự. Vào cuối Thế chiến thứ Hai, bom đạn của Mỹ đã phá hủy hoàn toàn công trình này. Grand Palais Hà Nội chỉ còn tồn tại trong những bức ảnh cũ mà tới đây, công chúng sẽ được thưởng lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, triển lãm cũng dành không gian để giới thiệu các hội đấu xảo có sự hiện diện của đồ thủ công Việt Nam trên khắp thế giới.
Bên trong Gian Đông Dương tại Đấu xảo Golden Gate tại Mỹ năm 1939. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) |
Năm 1866, triều đình nhà Nguyễn đã cử một phái đoàn sang Pháp để tham quan Hội Đấu xảo Thế giới. Đây là lần đầu tiên các tác phẩm điêu khắc Chăm được giới thiệu.
Tại Hội Đấu xảo Thế giới năm 1878 tổ chức lần thứ 3 tại Paris, lần đầu tiên, một số sản phẩm của Nam Kỳ tham dự và mang về khá nhiều huy chương. Các sản phẩm Việt cũng được đánh giá cao tại các hội đấu xảo tại Paris, Marseille, Lyon, San-Francisco, New York, Bruxelles… sau đó.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 30/6 (giờ hành chính các ngày trong tuần, mở cửa miễn phí) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 phố Vũ Phạm Hàm, Hà Nội./.
Nguồn: Báo xây dựng