Hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ trong phố nhỏ, ngõ nhỏ
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập
Theo thống kê của Công an TP. Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2024, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 194 vụ cháy, sự cố gây cháy, trong đó số vụ cháy xảy ra tập trung nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao (87/194 vụ, tương đương 44,8% tổng số vụ cháy, sự cố gây cháy).
Đặc biệt, khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm hay một số khu dân cư thuộc các quận trung tâm của TP.Hà Nội hiện có nhiều ngõ nhỏ và sâu, dân cư đông đúc với các căn nhà ống san sát, nhiều tầng, nhiềm tum được hàn sắt, bịt kín như “chuồng cọp”. Thực trạng này đang tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn, đồng thời gây khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Mới đây, rạng sáng 15/1, ngôi nhà ba tầng một tum cũng là tiệm kinh doanh hoa ở phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm đã bốc cháy làm 4 người trong gia đình tử vong. Do nhà chật, thiết kế kiểu ống với một mặt tiền, tầng 1 có cửa cuốn, tầng 2 và 3 rào kín phía trước nên lửa bốc rất mạnh, lan lên tầng 3 và tum, kèm nhiều tiếng nổ.
Công an TP. Hà Nội đã điều 7 xe chữa cháy, 39 chiến sĩ từ quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Đội Chữa cháy Cứu hộ cứu nạn khu vực số 1 đến hiện trường. Cảnh sát phải phá cửa cuốn tầng 1, phá cửa tầng 2 và 3 bơm nước vào trong. Mặc dù đến 5h07, đám cháy được khống chế, song đến khi lính cứu hỏa tiếp cận được thì đã phát hiện 4 người tử vong do ngạt khói.
Đau lòng nhất có lẽ phải kể đến đó là vụ cháy chung cư mini vào đêm 12, rạng sáng 13/9/2023 ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 56 người tử vong. Chung cư 10 tầng này được xây dựng kiểu nhà ống ba mặt kín, không có lối thoát nạn thứ hai, ngoài cầu thang bộ kiêm lối thoát nạn thứ nhất. Bảo vệ tòa nhà cho biết đám cháy xuất phát từ ổ điện ở khu vực để xe tầng một, sau đó bùng lên các tầng trên khiến việc tiếp cận cứu người từ lối vào này không khả thi.
Ghi nhận hiện trường cho thấy, lối thoát và cứu nạn duy nhất là lôgia căn hộ nhưng hầu hết được rào kín bằng khung inox kiểu “chuồng cọp”. Một số căn hộ có mở lối thoát ra ngoài nhưng khóa bên trong hoặc không có thang xuống. Theo tính toán, để cắt phá khung sắt cứu hộ thường mất ít nhất 5-10 phút nên có thể lỡ “thời gian vàng” cứu người. Và chính các “chuồng cọp” không mở lối thoát đã khiến việc cứu hộ và đưa người bị nạn ra ngoài gian nan hơn.
Trước đó, TP. Hà Nội cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống gây thiệt hại lớn về người. Tháng 5/2023, ngôi nhà ống ba tầng một tum trên phố Thành Công, quận Hà Đông, bốc cháy khiến 4 bà cháu thiệt mạng, một người bị thương. Rồi tháng 7/2023, ngôi nhà ống năm tầng một tum trong ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, bốc cháy khiến 3 người chết.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với kiểu thiết kế trên gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc… Điển hình như vụ cháy nhà khiến 4 người chết, 1 người bị thương ở phường Quang Trung (quận Hà Đông) vào sáng ngày 13/5/2023 cho thấy mức độ nguy hiểm của những ngôi nhà ‘không lối thoát’. Ngôi nhà bị cháy được hàn khung sắt, bịt kín phía trước giống như ‘chuồng cọp’ để chống trộm. Quá trình chữa cháy, lực lượng chức năng phải dùng thiết bị để cắt ban công hàn kín sắt trên tầng 2 để cứu hỏa.
Theo Công an TP. Hà Nội, trên toàn địa bàn Thành phố hiện nay có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Trong khoảng hơn 925.000 nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố có nhiều đặc điểm, tính chất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra đối với những căn nhà này có khả năng cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng – Phó Trưởng Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, thực tế thời gian qua sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng của quận Ba Đình đã rà soát nhà ống trong các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân che chắn hết lối đi, cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng khuyến cáo người dân khi xây dựng hoặc cải tạo ngôi nhà, cần bố trí các lối thoát nạn phụ như lối ở ban công để di chuyển sang nhà hàng xóm, trên sân thượng, trên tum hoặc trổ cửa lên mái, trần để tạo những lối thoát nạn phụ. Đối với việc phòng cháy thì trang bị hệ thống dây dẫn thiết bị điện phải vượt mức chịu tải của tổng các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà. Các thiết bị như bếp gas, bếp từ, hồng ngoại… thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị hư hỏng.
Không tàng trữ các chất dễ cháy trong nhà như xăng dầu. Khi đun nấu hoặc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện phải có người trông coi giám sát. Việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần đúng nơi quy định. Khi đi ngủ, ra khỏi phòng phải tắt nến, để vàng mã cách xa khu vực nến, hương đang cháy.
Ngoài ra, theo Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, các thành viên mỗi gia đình nên trang bị kiến thức kỹ năng về an toàn PCCC và thoát nạn như tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện do địa phương hoặc cơ quan tổ chức, tìm hiểu kiến thức trên các mạng xã hội, các ứng dụng, trang Web. Có phương án thoát nạn đối với ngôi nhà và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Xuân Tùng cho biết, để phòng tránh được các vụ việc tương tự như vụ cháy xảy ra ở phố Hàng Lược, phường Hàng Mã vừa qua, UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND 18 phường phối hợp Công an quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về PCCC và kỹ năng thoát nạn bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để nhân dân có thể tìm hiểu, nắm bắt và tự tập luyện, đặc biệt là các hộ gia đình, hộ kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các nội dung trong công tác PCCC.
Theo đó, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu các phường, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ khuyến cáo “Đảm bảo an toàn PCCC dịp Tết Nguyên đán 2024” đang được khẩn trương triển khai trên địa bàn, trong đó chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sắp xếp hàng hóa, đồ dùng, vật tư; trong sử dụng lửa, sử dụng điện; trong thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã.
Cùng với đó, người dân cần tự giác tìm hiểu, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về PCCC, thoát nạn, đặc biệt là những hướng dẫn xử lý các tình huống cháy xảy ra và thoát nạn an toàn được xác định trong “Phương án chữa cháy và thoát nạn tại hộ gia đình” đang được UBND quận chỉ đạo UBND 18 phường in ấn, hướng dẫn và niêm yết đến từng hộ gia đình trên địa bàn quản lý.
Ngoài ra, quận cũng khuyến khích người dân chủ động trang bị và hướng dẫn cách sử dụng cho các thành viên trong gia đình mình những trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện cần thiết như: Bình chữa cháy xách tay; mặt nạ lọc độc; thiết bị báo cháy không dây để phát hiện cháy sớm; các dụng cụ phá dỡ. Mỗi một hộ gia đình, nhà ở phải có ít nhất 2 lối thoát nạn tại mỗi tầng, 1 lối thoát nạn chính có thể thoát trực tiếp ra bên ngoài và 1 lối thoát nạn từ cửa sổ, ban công sang được nhà bên cạnh.
Nâng cao hơn nữa nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy dịp Tết nguyên Đán
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội và đảm bảo an toàn PCCC trước, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo một số nội dung cần thực hiện ngay.
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định PCCC; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với các khu dân cư, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức cho đội dân phòng thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy sát thực tế; phát huy thực sự có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.
Đối với hộ gia đình, có giải pháp ngăn cháy lan theo cầu thang bộ bên trong nhà với các khu vực có công năng khác; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Khuyến cáo, kiến nghị các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động để kịp thời báo cháy, cảnh báo cho con người thoát nạn ngay từ thời điểm ban đầu khi đám cháy mới phát sinh.
Còn đối với mỗi người dân, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH, tự trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, các tài liệu tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo an toàn PCCC của cơ quan chức năng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, các cơ quan báo, đài, các trang mạng xã hội, zalo, facebook,…; thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC và CNCH.
Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; ngắt nguồn điện; đồng thời báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 và tích cực tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
Theo Báo Chính phủ
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu