Vườn Quốc gia Cát Tiên gần chạm tới chứng nhận Danh lục Xanh
Vườn Quốc gia Cát Tiên gần chạm tới chứng nhận Danh lục Xanh
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đang nỗ lực các bước cuối cùng để trình hồ sơ lên Ủy ban Danh lục Xanh để đánh giá, trao danh hiệu Danh lục Xanh. Trước đó khu bảo tồn Vân Long đã nhận được chức nhận Danh lục xanh.
Danh lục Xanh IUCN là bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và Bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Mục tiêu là công nhận và tăng số lượng các Khu bảo vệ và bảo tồn đạt được kết quả bảo tồn lâu dài cho con người và thiên nhiên.
Tính đến cuối năm 2023, hơn 60 quốc gia tham gia với 77 khu Khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục Xanh. Khu bảo tồn Vân Long là khu bảo tồn đầu tiên của Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh.
VQG Cát Tiên là khu bảo tồn đang ở bước gần nhất với giai đoạn Danh lục Xanh. VQG Cát Tiên là khu nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu.
Hồ sơ của Cát Tiên đã được xem xét và toàn bộ chuyên gia đánh giá về Danh lục xanh (EAGL) vào tháng 4 và tháng 9 năm 2023. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12 năm 2023 và trình lên Ủy ban Danh lục Xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu Danh lục Xanh.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ: “Trong lúc chờ đợi kết quả từ ủy ban IUCN quốc tế, chúng tôi cam kết luôn thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện và luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra bởi Danh lục Xanh, với mục tiêu trở thành một trong những điển hình của các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học.”
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu.
Theo số liệu từ Phòng quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp), nước ta hiện đang có 60 Khu bảo vệ cảnh quan lịch sử – văn hóa với hơn 56 khu dự trữ thiên nhiên, 34 vườn quốc gia, 17 khu bảo tồn và sinh cảnh và hơn 10.000 ha rừng thực nghiệm khoa học.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tổng diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu Ha, phục hồi 100.000 ha rừng đặc dụng bị suy thoái bảo tồn sinh cảnh sống của các loài động vật, thực vật rừng đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.
Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID Việt Nam cho biết: “Các chương trình về bảo tồn đa dạng sinh học của USAID tại Việt Nam đang hỗ trợ các khu bảo tồn có phương pháp quản lý tốt, giống như các khu bảo tồn theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN và có các sáng kiến, thực hành tốt về bảo tồn. USAID dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các vườn quốc gia ứng viên để đạt được danh hiệu Danh lục Xanh để chứng minh tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của Danh lục Xanh”
Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và Bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh gồm VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup – Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo.
VQG Cát Tiên có tổng diện tích 71.350ha. Từ năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong VQG Cát Tiên là vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của thế giới.
Trước đó, năm 2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.
VQG Cát Tiên hiện có 1.610 loài thực vật, trong đó có 38 loài có giá trị bảo tồn gen, 22 loài đặc hữu, 511 loài cây gỗ, 550 loài cây thuốc và nhiều loài có giá trị khác. Về động vật, VQG Cát Tiên đã ghi nhận được 103 loài thú, 348 loài chim, 120 loài bò sát và lưỡng thê, 130 loài cá nước ngọt, 435 loài bướm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị