Quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai để đảm bảo nguồn nước

Quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai để đảm bảo nguồn nước

Lưu vực sông Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức do thiên nhiên, khí hậu con người tạo ra.

tm-img-alt
Sông Đồng Nai

Mới đây, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực và toàn vùng.

Có giá trị lớn về kinh tế, xã hội, môi trường

Sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua nhiều tỉnh, thành phía Nam rồi ra biển. Đây là LVS lớn thứ 3 cả nước, sau hệ thống sông Mê Kông, sông Hồng – Thái Bình. Chính vì điều này, sông có ý nghĩa đặc biệt đối với an ninh nguồn nước; duy trì hệ sinh thái tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Tuy nhiên, do nằm trong vùng có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị nhanh, chịu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu nên LVS Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức. Nổi lên trong số này là ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của con người, sự thay đổi dòng chảy do thiên nhiên và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gia tăng triều cường và xâm nhập mặn…

Trước thực tế này, đầu tháng 1-2024, Phó thủ trướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 22/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của quy hoạch là bảo đảm an ninh nguồn nước trên LVS và toàn vùng; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên. Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra.

LVS Đồng Nai nằm trong địa giới hành chính của các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng; một phần diện tích 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Phấn đấu đến năm 2030, có 100% nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 70% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng được bảo vệ. Cùng với đó, các địa phương trong lưu vực hoàn thành việc lập và công bố hành lang bảo vệ nguồn nước. Bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn nước.

Đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Phục hồi các khu vực bị suy giảm, suy thoái nước nghiêm trọng. Bố trí lại không gian dân cư ven sông nhằm nâng cao giá trị cảnh quan.

Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước (thuộc Bộ TN-MT), việc phê duyệt quy hoạch này không chỉ nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước, mà trên hết, các nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch đặt ra là cách để giải quyết hiệu quả thách thức hiện tại, khai thác hiệu quả các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường của toàn LVS Đồng Nai.

Bảo vệ an ninh nguồn nước cho toàn vùng

LVS Đồng Nai có nhiều giá trị to lớn, trong đó nổi bật nhất là giá trị về nguồn nước. Nguồn nước sông Đồng Nai và các sông thuộc lưu vực đang là nguồn cung cấp chính cho các hoạt động phát triển kinh tế, dân sinh và điều hòa khí hậu của cả vùng. Cũng nhờ nguồn nước dồi dào, phong phú, LVS có thêm các giá trị khác như: tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, thủy sản, thủy điện, du lịch sinh thái… Hiện có những giá trị đã và đang được khai thác hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong quá trình phát triển công nghiệp, nông nghiệp còn tiềm ẩn một số nguy cơ tác động xấu đến thiên nhiên, môi trường, sự phát triển bền vững của vùng.

Quy hoạch tổng hợp LVS Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể là căn cứ để từng bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, đáp ứng các nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Để góp phần bảo vệ môi trường, nguồn nước LVS, nhiều năm nay, Đồng Nai đã thực hiện “đóng cửa” rừng tự nhiên; không ngừng phát triển diện tích rừng bằng cách trồng mới, chuyển rừng sản xuất sang rừng đặc dụng, phòng hộ. Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác cát, khai thác thủy sản. Đầu tư các công trình xử lý nước thải, quan trắc chất lượng nước nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sự cố. Kiếm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông.

Đối với TP.HCM, các dự án tiêu thoát nước, xử lý nước thải để hạn chế ô nhiễm môi trường, ngăn triều cường đã và đang được triển khai. Thành phố thí điểm chọn H.Cần Giờ phát triển đô thị xanh. Về quy hoạch, thành phố xác định phát triển các đô thị vệ tinh ở vùng ven để giải nén cho đô thị trung tâm, đồng thời giảm áp lực lên môi trường và tạo thêm quỹ đất đô thị.

Liên quan đến vấn đề môi trường, nguồn nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhiều lần lưu ý, không thu hút, không để tồn tại các dự án sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, gần nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt nước thải. Dành nguồn ngân sách xứng đáng cho các công trình, dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài. Chấm dứt hoạt động của Khu công nghiệp Biên Hòa 1, sắp xếp lại một số khu vực nuôi thủy sản, chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Kiến tạo không gian phát triển dọc hai bên sông Đồng Nai.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích