Nữ VĐV khiếm thị 66 tuổi chạy marathon 3 giờ 29 phút

Thế vận hội Paralympic Tokyo kết thúc gần đây không chỉ là nơi các vận động viên khuyết tật chứng minh khả năng mà còn truyền đi những câu chuyện đầy cảm hứng tới toàn thế giới.

Ở nội dung marathon nữ T12 (42km) dành cho vận động viên khiếm thị, nữ vận động viên nước chủ nhà Misato Michishita tiếp tục giữ vững phong độ khi về nhất sau 3 giờ 00 phút 50 giây. Nhưng kết thúc ấn tượng nhất trong ngày hôm đó phải là của Mihoko Nishijima. Bà lão 66 tuổi lảo đảo cán đích ở vị trí thứ 8 trong 3 giờ 29 phút 12 giây. Nụ cười nở trên môi của cả bà và hướng dẫn viên chạy cùng.

Thông số 3:29:12 giúp bà lọt vào nhóm 25 người phụ nữ lứa tuổi 65-69 chạy marathon nhanh nhất thế giới. “Vài năm gần đây, tôi là người phụ nữ chạy nhanh nhất Nhật Bản ở độ tuổi của mình. Nhưng tôi không biết mình lọt vào nhóm chạy nhanh nhất thế giới”, vận động viên năm nay 66 tuổi chia sẻ.

Mihoko Nishijima (phải) năm nay 66 tuổi, chạy cùng người dẫn đường ở nội dung marathon cho nữ T12, tại Paralympic Tokyo. Ảnh: Alex Davidson/Getty Images

Cuộc sống giản dị

Bẩm sinh gặp vấn đề về thị lực, Nishijima trải qua cuộc sống bình dị với công việc nhân viên massage bán thời gian. Sau khi kết hôn và dược truyền cảm hứng từ chồng, một vận động viên chạy marathon nghiệp dư, bà bắt đầu chạy khi đã bước qua nửa cuộc đời.

“40 tuổi tôi mới biết đến marathon. Nếu cuộc đời dài 80 năm, tôi giống như bắt đầu từ vạch xuất phát”, bà nói. “Tôi muốn tìm thứ gì đó ý nghĩa để trải nghiệm. Khi nghe chồng kể về chạy, những người bạn, cảm hứng trên đường đua… tôi nghĩ ‘có lẽ mình nên thử chạy”.

Mặc dù chỉ chạy cho vui, Nishijima nhanh chóng tiến bộ. Năm 2003, ở tuổi 47, bà tham dự Osaka International Women’s Marathon với tư cách một chân chạy chuyên nghiệp.Thành tích 3:11:33 trở thành thông số chạy marathon tốt nhất trong sự nghiệp của Nishijima đến tận bây giờ. Đó cũng là lần đầu tiên bà đua marathon có người dẫn đường bởi mắt đã mờ.

Cặp đôi hoàn thành tốt nửa chặng đầu. Ảnh: Buda Mendes/Getty Images.

Từ đó về sau, Nishijima tiếp tục làm việc và chạy bộ. Năm 2013, bà chính thức trở thành tuyển thủ quốc gia khi Hiệp hội Marathon dành cho người khiếm thị Nhật Bản tìm kiếm vận động viên tham dự Paralympic Rio 2016 ở Brazil. Lần đầu tiên Nishijima được ăn tập và có huấn luyện viên.

“Tôi không có ý thức về Paralympic và chưa bao giờ nghĩ mình đủ khả năng” Nishijima nói. “Lúc đó tôi cũng đã 58 tuổi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu họ cho tôi cơ hội, đây chắc chắn là điều tôi có thể”, bà nói.

Chặng đường mới

Lần đầu mắt Paralympic của Nishijima không như mong đợi. “Brazil năm đó rất nóng. Mới chạy được chút ít tôi đã cảm thấy rất chóng mặt. Tôi đã quyết định bỏ cuộc. Và từ đó đến nay, tôi chỉ có một mục tiêu là phải hoàn thành Paralympic ở Tokyo”, bà nói.

Dù bị hoãn đến năm 2021, Nishijima vẫn duy trì một kế hoạch luyện tập bền bỉ. “Tôi không chạy quá nhiều như mọi người, thường là 500-600km mỗi tháng. Vì tuổi này tôi cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn nếu không sẽ không thể thực duy trì giáo áo”, Nishijima phân tích.

Ngày đua ở Paralympic Tokyo trời có mây và mưa lớn. Nishijima cố gắng giữ cho mình cảm giác thoải mái. Nửa chặng đầu bà nằm trong top 9 người dẫn đầu. Trong hơn 10 km tiếp theo, bà tiến lên vị trí thứ 7 và duy trì cho đến gần về đích.

Càng về cuối, cuộc đua các khắc nghiệt, nhiều người bỏ cuộc, một số khác tăng tốc. “Tôi bám sát 2 người chạy trước nhưng không thể vượt qua họ. Chân tôi bắt đầu bị co cứng và có dấu hiệu chuột rút, phải giảm tốc độ, rồi một người đã vượt qua tôi”, Nishijima kể.

Người dẫn đường Haruka Yamaguchi động viên Nishijima ở những km cuối. Ảnh: Alex Davidson/Getty Images

Người chạy dẫn đường cho bà Nishijima là Haruka Yamaguchi, VĐV có thành tích chạy marathon rất tốt 2 giờ 26 phút, cho biết: “Tôi luôn phải nhắc bà chạy chùng gối một chút, không được nâng chân quá cao khi chạy. Dáng chạy cố hữu của bà có thể làm mất thăng bằng, không tốt khi chạy dài”.

Tuy nhiên, hướng dẫn viên không thể làm gì khi Nishijima ngã. Nếu không, Nishijima sẽ bị loại vì phạm luật. “Tôi chỉ nói với bà ấy, dù có chuyện gì xảy ra, đừng buông dây buộc, cố gắng giữ tỉnh táo vì vẫn trong top 8 và có thể phá vỡ mốc 3 giờ 30 phút”, hướng dẫn viên nói. Thật may Nishijima làm được cả hai điều đó.

Cuối cùng, Nishijima hoàn thành giấc mơ của mình. Mặc dù phải đi bộ nhiều lần và gần như gục ngã ở 5km cuối, bà vẫn hoàn thành sau 3:29:12, chính thức xếp thứ 8 với marathon sub3:30 (dưới 3 giờ 30 phút).

“Nếu bạn có một ước mơ nó sẽ thúc đẩy bạn. Hãy giữ lấy ước mơ của bạn. Ngay cả khi bạn không đạt được nó khi còn trẻ, thì khi bạn già đi, nó vẫn sẽ đơm hoa kết trái. Đó là cách tôi muốn tiếp tục sống”, Nishijima nói sau khi cuộc đua kết thúc.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích