Những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo. Thời tiết, khí hậu ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường thể hiện qua các biểu hiện dị thường của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng
Biến đổi của các yếu tố khí hậu
Nhiệt độ:
Nhiệt độ có xu thế tăng ở hầu hết các trạm quan trắc, tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây. Số ngày nóng tăng ở hầu hết các khu vực, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên, nhưng giảm ở một số trạm thuộc khu vực Tây Bắc, Nam Trung Bộ và khu vực phía Nam. Có sự khác nhau về mức tăng nhiệt độ giữa các vùng và các mùa trong năm, mức tăng nhiệt độ cao nhất vào mùa đông, thấp nhất vào mùa xuân. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dựa trên dữ liệu cập nhật của 30 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ hiện tại cao hơn từ 0,5 – 1,0°C so với nhiệt độ trung bình của các năm trước.
Lượng mưa:
BĐKH đang khiến vòng tuần hoàn nước xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng làm tăng độ bay hơi, bốc hơi nhiều sẽ gây ra mưa nhiều hơn, tốc độ bay hơi và lượng mưa cao hơn lại không được phân bố đều. Một số khu vực có thể hứng chịu lượng mưa lớn hơn bình thường, trong khi đó, các khu vực khác có thể phải trải qua hạn hán.
Lượng mưa trung bình năm cả nước có xu thế tăng nhẹ. Trong đó, tăng nhiều nhất vào các tháng mùa đông và mùa xuân, giảm vào các tháng mùa thu. Trong giai đoạn 2016 – 2020, diễn biến mưa một số nơi không phù hợp với quy luật nhiều năm.
Biến đổi của mực nước biển
Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, nước biển dâng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam. Số liệu quan trắc trong vòng hơn 40 năm qua tại các trạm hải văn (từ năm 1961 – 2014) cho thấy, tại hầu hết các trạm, mực nước biển có xu thế tăng, với tốc độ mạnh nhất vào khoảng 5,58 mm/năm tại trạm Phú Quý và 5,28 mm tại trạm Thổ Chu. Tuy nhiên, mực nước tại trạm Cô Tô và trạm Hòn Ngư lại có xu thế giảm với tốc độ tương ứng là 5,77 và 1,45 mm/năm. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn của Việt Nam có xu hướng tăng rõ rệt với mức tăng khoảng 2,45 mm/năm. Nếu tính trong thời kỳ 1993 – 2014, mực nước biển trung bình tại các trạm hải văn đều có xu thế tăng với mức độ tăng trung bình khoảng 3,34 mm/năm. Từ năm 2015 đến 2020, mực nước biển trung bình tại các trạm cũng đều có xu thế tăng.
Bảng 1. Đánh giá xu thế biến đổi mực nước biển trung bình từ năm 1961 – 2014 và mực nước biển trung bình những năm gần đây:
Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016, mực nước trung bình toàn Biển Đông biến đổi với tốc độ khoảng 4,05 ± 0,6 mm/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn (3,25 ± 0,08 mm/năm). Tính trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển tăng khoảng 3,50 ± 0,7 mm/năm.
Khu vực ven biển Trung Bộ tăng mạnh nhất với tốc độ tăng khoảng trên 4 mm/năm, trong đó lớn nhất tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ với tốc độ tăng đến trên 5,6 mm/ năm; khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,5 mm/năm. Cũng theo Kịch bản, nếu nước biển dâng 1 m, khoảng 17,57% diện tích ĐBSH, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và 4,79% diện tích tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập.
ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập cao (38,90% diện tích). Các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc. Nguy cơ ngập đối với những đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, lớn nhất là tại cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan
Theo đánh giá về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997 – 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (Eckstein và cộng sự, 2018). Trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa; tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.
Hình 1. Các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020
Các hiện tượng thời tiết cực đoan trải dài rộng khắp các miền của đất nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.
Năm 2016, người dân miền Trung và miền Nam Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử 90 năm vừa qua, ảnh hưởng tới hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 18 tỉnh phải thông báo tình trạng khẩn cấp. Trong đợt nắng nóng năm 2019 ở Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), nhiệt độ đo được ngày 20 tháng 4 là 43,4°C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của Việt Nam đến nay. Năm 2020, nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,5°C; đặc biệt, trong tháng 3 và tháng 4, nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,6 – 3,0°C. Trong đó, đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng gần đây nhất diễn ra từ ngày 20 đến 21 tháng 5 với nhiệt độ phổ biến từ 38 – 40°C, có nơi cao hơn như tại Hà Đông (Hà Nội) với nền nhiệt lên ngưỡng 40,9°C (ghi nhận trong ngày 21 tháng 5).
Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn giai đoạn trước năm 2015. Ngay từ giữa năm 2019, mực nước thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5 – 5,0 m, ở trung lưu và hạ lưu thấp hơn từ 2,5 – 3,5 m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010, đây là năm thiếu hụt kỷ lục. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long lấn sâu vào đất liền hơn năm 2016 từ 3 – 7 km. Tại tỉnh Bến Tre, cuối năm 2019, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 40 km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập đến xã Mỹ Thành (thành phố Bến Tre) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56 km.
Bảng 2. Nhiệt độ cao nhất đo được tại một số điểm ở Việt Nam
Bảng 3. Nhiệt độ thấp nhất đo được tại một số điểm ở Việt Nam
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – Báo cáo Đặc điểm khí tượng thủy văn năm 2016
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ, kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nặng nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại Quảng Trị, Đà Nẵng.
Ở khu vực TDMNPB, rét đậm, rét hại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ dài các đợt rét có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây đã xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục cũng như những đợt rét hại có nhiệt độ khá thấp (thấp nhất trong 40 năm gần đây). Tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sa Pa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất dao động từ -5 đến -4°C; băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là ở một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.
Tình trạng mưa cực đoan có xu thế biến đổi khác nhau giữa các vùng khí hậu, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn. Trong những năm gần đây, mưa lớn xảy ra bất thường cả về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ, điển hình là trận mưa lớn nhất trong lịch sử 40 năm qua và lũ lụt ở Quảng Bình, Bình Định (2016).
Cũng trong năm 2016, Hà Nội chịu một trận mưa lớn (vào tháng 5) gây ngập lụt nghiêm trọng chưa từng có trong 45 năm, lượng mưa lớn nhất ở điểm đo được tại huyện Chương Mỹ là 372 mm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp phải tình trạng tương tự vào tháng 9 năm 2016 khi có một trận mưa với lượng hơn 179 mm (đây là cơn mưa lớn nhất tính từ năm 1975 đến nay).
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL với phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4 g/L là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, cao hơn năm 2016 là 50.376 ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500 ha/176.700 ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000 ha. Đối với vụ đông xuân 2019 – 2020, ở ĐBSCL có 6 tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900 ha, trong đó, có 26.000 ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300 ha.
Hạn, xâm nhập mặn đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại 7 tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch khô cạn, dẫn đến tình sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh. Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920 m.
Nguồn: Bộ NNPTNT – Báo cáo tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019 – 2020
Nguồn: Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị