Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội
Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng nhìn chung, phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thật sự hiệu quả như mong muốn, chưa đảm bảo tiến độ đã đặt ra.
Các căn hộ nhà ở xã hội khu dân cư Nam Long, quận 7. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Giải quyết vấn đề về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là chủ trương lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực tế chưa như mong muốn vì còn gặp nhiều khó khăn.
Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo đạt chỉ tiêu về phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn với 35.000 căn nhà ở xã hội như kế hoạch đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó Phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ như vậy tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 18/1.
Theo ông Mai Thanh Tùng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp.
Đặc biệt, sau thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, thành phố chủ trương tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê để thu hút công nhân quay trở lại làm việc nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế của thành phố.
Kết quả từ năm 2021 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020) với quy mô 623 căn hộ. Hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 9,36ha, 298.714m2 sàn xây dựng, quy mô 3.956 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân tại Cụm Công nghiệp phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức với diện tích đất 2,01ha, 93.932m2 sàn xây dựng, quy mô 1.040 phòng.
Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng nhìn chung, phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thật sự hiệu quả như mong muốn, chưa đảm bảo tiến độ đã đặt ra do còn gặp nhiều khó khăn.
Trong số đó, khó khăn chủ yếu là do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức…, mất nhiều thời gian nên chưa đạt được tiến độ như mong muốn.
Chung cư trên đường Đồng Văn Cống, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, hiện pháp luật chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án.
Việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài; cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia; các dự án phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân có vốn đầu tư lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn khá lâu (từ 10 đến 15 năm) khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại.
Qua các cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng đã tham mưu và được Ủy ban Nhân dân thành phố thống nhất hướng giải quyết là phân nhóm vướng mắc cụ thể và giao trách nhiệm trực tiếp cho các Sở, ngành chủ trì tháo gỡ đối với các nhóm vướng mắc thuộc chức năng, lĩnh vực của đơn vị; báo cáo kết quả trực tiếp cho Ủy ban Nhân dân thành phố.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổng hợp, phân loại 88 khu đất, dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn để Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành thực hiện và tháo gỡ đối với từng nhóm theo hướng chủ động làm việc với các chủ đầu/nhà đầu tư để hướng dẫn hoàn tất hồ sơ và thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc chủ trì cùng với các sở-ngành liên quan để giải quyết vướng mắc về thủ tục đầu tư đang giải quyết.
Chung cư đang xây dựng trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Ông Mai Thanh Tùng cho biết trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường; lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập; lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội và ở công nhân theo quy định của pháp luật; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và một số loại đất khác (không phải đất ở) sang mục đích đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, thành phố khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Nguồn: Báo xây dựng