Hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông Đắk Nông năm 2023
Hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông Đắk Nông năm 2023
Chiều ngày 18/01, tại thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông, đánh giá công tác Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông chủ trì Hội nghị. Ông Trần Văn Thương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì.
Dự Hội nghị có các đồng chí là Ủy viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông.
Năm 2023, thực hiện phương châm chủ động thích ứng, hành động quyết liệt trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, với tinh thần phát huy truyền thống “Trung thành – Dũng cảm- Tận tụy – Sáng tạo”cùng quyết tâm chung với địa phương đưa Đắk Nông sớm trở thành “Tỉnh mạnh – dân giàu – thiên nhiên tươi đẹp – xã hội nghĩa tình”, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, đã đạt và vượt 19/29 chỉ tiêu; hoàn thành 55/55 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo đó, trong măm 2023, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được những kết quả nổi bật, như: Công tác Chuyển đổi số tiếp tục được tập trung đẩy mạnh với nhiều kết quả khả quan, đáp ứng quá trình xây dựng chính quyền điện tử, bắt nhịp kinh tế số, thích ứng với xu hướng xây dựng xã hội số. Lĩnh vực, nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được triển khai tương đối đồng bộ, đạt được những kết quả quan trọng.
Hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư từ tháng 02/2023; giúp cho người dân, tổ chức khi thực hiện các TTHC được định danh và xác thực điện tử thông suốt, không phải khai báo thông tin ban đầu; đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Tập trung triển khai xây dựng Chính quyền số thông qua tích hợp, kết nối với HTTT/CSDL quốc gia; tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP), với 10 hệ thống gồm Hệ thống quản lý di sản; HTTT Phản ánh hiện trường; HTTT kinh tế – xã hội; CSDL về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; CSDL quản lý về các dự án đầu tư công; Cổng dữ liệu y tế; Cơ sở dữ liệu giáo dục; CSDL về cán bộ công chức tỉnh; HTTT giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tỉnh. Bước đầu triển khai thử nghiệm Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Đắk Nông; nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu cho Cổng thông tin dữ liệu đất đai ngành Tài nguyên môi trường; triển khai thực hiện 18/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Chỉ số PCI năm 2022 tỉnh Đắk Nông đạt 64,87 điểm, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tăng 14 bậc so với năm 2021. Riêng chỉ số thành phần Tính minh bạch do Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi và chịu trách nhiệm trong việc cải thiện các tiêu chí thành phần trong chỉ số này, có sự tăng vượt bậc đạt 6,34 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng 43 bậc so với năm 2021.
Chỉ số PAR INDEX năm 2022 tỉnh Đắk Nông đạt 84,86 điểm, xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó, chỉ số thành phần về Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử có sự tăng vượt bậc đạt 83,71 điểm, xếp thứ 09/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng 31 bậc so với năm 2021. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, tỉnh Đắk Nông đạt xếp hạng cao nhất và đứng đầu trong nhóm các tỉnh Tây Nguyên đối với chỉ số thành phần này.
Kinh tế số có sự phát triển vượt bậc. Tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99.29% người nộp thuế; tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 92.05%. Hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm, trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 27.528 lượt; tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%. Số hộ SXKD được đào tạo về kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2%; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử; 100% cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh, huyện đã thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; Số QR Code được trang bị tại các điểm sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 7.950 mã (tăng 4.511 mã so với đầu năm).
Tạo dựng nền tảng vững chắc cho xã hội số. Triển khai phổ cập danh tính số; kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đạt tỷ lệ 99,2%; 490.670 căn cước công dân gắn chip được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế. 90,4% tài khoản người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được xác thực với CSDL quốc gia về dân cư. Triển khai tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chuyển đổi số, triẻn khai kỹ năng công dân số cho hơn 1.500 lượt người.
Mạng lưới bưu chính – viễn thông tiếp tục được củng cố, thích ứng nhanh với xu hướng thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số. Mạng cáp quang tốc độ cao (FTTH) đã kết nối đến 71 xã, phường, thị trấn và phần lớn đến các thôn, bon, buôn, xóm làng trên địa bàn toàn tỉnh; tỷ lệ đạt 93,8%. Các doanh nghiệp viễn thông phát triển mới 44 trạm BTS so với năm 2022, nâng tổng số trạm BTS trên địa tỉnh lên 1167 trạm phủ sóng 2G/3G/4G trên 624/624 thôn trên địa bàn; tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,7%. Ước sản lượng, doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 119%; nộp ngân sách nhà nước tăng 66.7% so với năm 2022. Doanh thu viễn thông năm 2023 ước đạt 165.202 triệu đồng, tăng 12,65% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước năm 2023, tăng 23,43% so với năm 2022.
Chuyển đổi số báo chí có sự đột phá; báo chí trong tỉnh và hệ thống truyền thông, thông tin cơ sở duy trì vai trò định hướng thông tin, lan tỏa thông tin tích cực; công tác quản lý nhà nước về thông tin – báo chí, xuất bản được tăng cường. Các cơ quan báo chí Đắk Nông đã chủ động triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí; áp dụng nhiều phương thức làm báo mới.
Theo kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông đứng thứ 6 về tiên phong thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc trong khối các đài truyền hình; Báo Đắk Nông đứng thứ 12 trong khối báo chí địa phương. Trong năm 2023 đã có hơn 70 cơ quan báo chí, tạp chí ngoài tỉnh đăng gần 5.000 tin, bài phản ánh về tỉnh Đắk Nông trên các lĩnh vực; tăng 40% số lượng tin, bài so với năm 2022. Trong đó, có hơn 70% tin, bài phản ánh những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trên các lĩnh vực. Số nội dung báo chí phản ánh cần kiểm tra, xác minh, xử lý giảm 53% so với năm 2022.
Công tác QLNN về TT, BCXB có nhiều chuyển biến tích cực; đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng bám sát với các yêu cầu nhiệm vụ chính trị; chủ động cung cấp thông tin; thông tin có định hướng. Các cơ quan, đơn vị ngày càng được nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý và cung cấp thông tin cho báo chí; một số đơn vị đã chủ động theo dõi, xử lý và thực hiện phản hồi thông tin báo chí đúng quy định, mạnh dạn từ chối các trường hợp hoạt động sai tôn chỉ mục đích.
Số tài liệu, ấn phẩm tài liệu không kinh doanh xuất bản năm 2023 tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2022.
Tổ chức thành công Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2023 với chủ đề “Đồng hành và kết nối tri thức” tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút. Được Bộ TT&TT biểu dương, ghi nhận.
Hoạt động thông tin điện tử, thông tin cơ sở được chú trọng, có sự đổi mới mạnh mẽ. Số trang thông tin điện tử có tên miền .vn trên địa bàn tỉnh tăng 30% so với năm 2022. 38/71 xã, phường, thị trấn đã có trang thông tin điện tử, tăng 72.7% so với năm 2022. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông đổi mới nội dung, phương thức vận hành, tăng lượng truy cấp lên 226% so với cùng kỳ năm 2022 (tổng lượt truy cập 11 tháng đầu năm là 1.201.267 lượt). Tỷ lệ phủ sóng truyền thanh/thôn khoảng 65%. Có 19/71 xã, phường, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT – VT đang hoạt động đạt 27% tăng 170% so với năm 2022.
Công tác kiểm tra, thanh tra, rà soát, theo dõi chấn chỉnh các sai phạm được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực báo chí. Trong năm 2023, tiến hành 07 cuộc thanh/ kiểm tra (trong đó 02 cuộc thanh tra, 05 cuộc kiểm tra); xử phạt vi phạm hành chính 07 vụ việc; tiếp nhận và giải quyết 21 đơn kiến nghị, phản ánh. Lũy kế trong 2 năm triển khai công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí, Sở TTTT đã xử phạt VPHC 02 cơ quan báo chí và tạp chí ngoài tỉnh với tổng số tiền 62,5 triệu đồng về đăng, phát nội dung thông tin vượt tôn chỉ mục đích và đăng, phát thông tin sai sự thật; nhắc nhở 01 cơ quan báo chí với hành vi đăng phát, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; yêu cầu 07 lượt cơ quan báo chí gỡ bỏ thông tin sai sự thật và cải chính thông tin theo quy định; tiếp tục mời làm việc đối với một số cơ quan báo chí có dấu hiệu cung cấp thông tin, cử phóng viên tác nghiệp sai quy định.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2023, định hướng năm 2024 sẽ là năm ngành Thông tin và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề do Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng – “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ngành Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai đánh giá, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số đến tất cả các huyện trên địa bàn. Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hoàn thiện các chỉ tiêu về hạ tầng số, đảm bảo hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc. Phát huy vai trò định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về thực hiện công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung nhiệm vụ truyền thông chính sách; đổi mới nội dung và phương pháp truyền thông trong truyền thông đối ngoại; chú trọng và tăng cường vai trò hệ thống thông tin cơ sở trong tình hình mới.
Quyết liệt xử lý, chấn chỉnh tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật của báo chí. Tăng cường quản lý hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp, quản lý nội dung thông tin trên môi trường mạng. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Cổng TTĐT tỉnh, tập trung cung cấp các thông tin hữu ích, thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị