Đất không có giấy tờ có thể được cấp sổ đỏ
(Xây dựng) – Đất không có giấy tờ vẫn có thể được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Thông tin này vừa được nêu trong dự thảo báo cáo về một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: TL). |
Chính phủ cho biết thống nhất với phương án đã thiết kế trong dự thảo Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi kèm Công văn ngày 26/12. Theo đó, quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền đến trước ngày 1/7/2014.
Tại điều 101 Luật Đất đai hiện hành quy định mốc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho trường hợp này là đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004. Như vậy, thời điểm công nhận quyền sử dụng cho đất không có giấy tờ tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được nới thêm 10 năm so với quy định cũ.
Sau khi nghiên cứu, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng cần làm rõ một số nội dung. Trong đó, Chính phủ đề nghị giữ Điều 114 quy định về Quỹ phát triển đất.
Theo Chính phủ, Quỹ phát triển đất không phải là một chính sách mới mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, 2013 với chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác để ứng vốn, chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực tế thời gian qua, quỹ này là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư, phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch và tăng thu ngân sách. Chính phủ cho rằng nếu bỏ quỹ này sẽ dẫn đến các dự án đầu tư phát triển quỹ đất phải chờ bố trí vốn, thiếu linh hoạt chủ động, các dự án sẽ kéo dài trong khâu giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ giải ngân đầu tư công…
Chính phủ đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu các đề xuất, góp ý để phối hợp hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (tháng 1/2024), để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ một số chính sách trên toàn quốc như: Điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 để áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/1/2025 song song với chuẩn bị Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan này cũng mong muốn triển khai thí điểm việc tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hay thực hiện giao đất đồng thời với giao khu vực biển để thực hiện các dự án có hoạt động lấn biển.
Nguồn: Báo xây dựng