Khủng hoảng nhân khẩu học đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc

Khủng hoảng nhân khẩu học đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2023 do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tình trạng tử vong do đại dịch COVID-19.

Năm thứ hai liên tiếp dân số giảm

Năm 2023 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai.

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh (NBS) công bố ngày 17/1 cho thấy vào cuối năm 2023, dân số Trung Quốc là 1.409.670.000 người, giảm 2,08 triệu người so với một năm trước đó.

Trong năm 2022, mức giảm này là 850.000 người. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 1960, Trung Quốc ghi nhận dân số giảm. Trong năm ngoái, Trung Quốc có 9,02 triệu ca sinh, đạt tỷ lệ sinh là 6,39‰, giảm so với 9,56 triệu ca sinh trong năm 2022.

Tổng số ca sinh trong năm 2023 cũng đã giảm trong năm thứ 7 dù số lượng ít hơn so với các năm trước đó, cụ thể chỉ tương đương 50% tổng ca sinh trong năm 2016.

Trong năm 2023, số người tử vong tăng hơn gấp đôi lên 690.000 trường hợp. Các nhà nhân khẩu học cho rằng số ca tử vong tăng hồi đầu năm 2023 là do Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đại dich COVID-19.

Năm 2016 Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình có một con – áp dụng từ những năm 1980 trong bối cảnh lo ngại về dân số quá đông. Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ ba.

Tuy vậy, các biện pháp chính sách này chưa cải thiện được tình trạng suy giảm nhân khẩu học. Một chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh giảm là do chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động và theo đuổi giáo dục đại học ngày càng tăng.

tm-img-alt
Dân số Trung Quốc giảm năm thứ 2 liên tiếp trong 2023. Ảnh: IT

Mối lo hiện hữu

Dữ liệu mới làm tăng thêm mối lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đang giảm dần do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già và phúc lợi hưu trí ngày càng tăng gây căng thẳng hơn cho ngân sách của chính quyền địa phương.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái. Về lâu dài, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận thấy dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.

Dân số Trung Quốc đang già nhanh hơn nhiều trong quá trình phát triển so với các nền kinh tế lớn khác. Báo cáo cho biết, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2022, khi dân số nước này bắt đầu giảm lần đầu tiên, là khoảng 12.000 USD, chỉ bằng hơn 1/3 so với Nhật Bản khi nước này bắt đầu chứng kiến dân số giảm.

Hiện nay, cứ 5 người Trung Quốc thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên, độ tuổi mà hầu hết người dân của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này, ít nhất là ở các thành phố, đã nghỉ hưu. Tỷ lệ người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ lần lượt là 30% và 41% vào năm 2050 và 2100, theo ước tính của Liên hợp quốc, dựa trên dữ liệu điều tra dân số năm 2020 của Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc lo ngại tác động mà “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học” này có thể gây ra đối với nền kinh tế, khi chi phí chăm sóc người già và hỗ trợ tài chính ngày càng tăng có nguy cơ không được đáp ứng bởi số lượng người nộp thuế đang đi làm đang ngày càng thu hẹp.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dự đoán hệ thống lương hưu ở dạng hiện tại sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035. Khi đó, số người ở Trung Quốc trên 60 tuổi – độ tuổi nghỉ hưu quốc gia – sẽ tăng từ khoảng 280 triệu người tới 400 triệu.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên mức cao kỷ lục, tiền lương của người lao động giảm và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản – nơi tồn đọng hơn 2/3 tài sản hộ gia đình… khiến nhu cầu sinh con ở Trung Quốc càng giảm trong năm 2023.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua việc tuyên truyền về sinh sản và thực hiện các hình thức trợ cấp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhân khẩu học cho rằng xu hướng giảm dân số Trung Quốc là không thể đảo ngược, vì hiện nay thế hệ trẻ đã thay đổi quan điểm về khả năng sinh sản và nhìn chung không muốn sinh thêm con.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế khi số người trưởng thành trong độ tuổi lao động bị thu hẹp, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích