Liên tiếp bắt giữ bánh kẹo, mứt sấy không rõ nguồn gốc

Hàng hóa thực phẩm là bánh ngọt các loại đựng trong thùng xốp bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.
Hàng hóa thực phẩm là bánh ngọt các loại đựng trong thùng xốp bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.

Ngày 15/1, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.L.K tại địa chỉ tại tổ 45, khu vực 5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng hóa, gồm 11.480 sản phẩm bánh ngọt các loại, được chứa đựng trong 200 thùng carton do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 57.000.000 đồng. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã tạm giữ gần 2,7 tấn bánh kẹo, mứt sấy không hóa đơn chứng từ.
Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã tạm giữ gần 2,7 tấn bánh kẹo, mứt sấy không hóa đơn chứng từ.

Trước đó, chiều ngày 14/1, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an thị xã Đông Hòa – Công an tỉnh Phú Yên tiến hành khám xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 63C-097.24 Rơ mooc 63R-004.39 do ông Ngô Quang Thái, địa chỉ tại 107 Ô 3, Khu 3, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là người trực tiếp điều khiển phương tiện, quản lý hàng hóa.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 21 mục hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trong đó chủ yếu gồm 2.670 kg thực phẩm các loại là kẹo socola, ô mai, xí muội, chà là sấy, táo đỏ nhãn… bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; 3.020 váy đầm các loại nhãn bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; 160 đồng hồ hẹn giờ hiệu Kitchen Timer; 48 chai sữa tắm hiệu Ramzer; 15 đèn đường chiếu sáng năng lượng mặt trời; 60 đèn chiếu sáng tích hợp quạt năng lượng mặt trời… Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật.

Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành quyết định tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.        

Còn ngày 12/1, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Trần Thị N, có địa điểm kinh doanh tại thôn Gia Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với số tiền 30 triệu đồng vì đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đồng thời, tịch thu 200 chai rượu ngoại nhập lậu, trị giá gần 50 triệu đồng. 

Tại Vĩnh Phúc, thực hiện Kế hoạch Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2023 và dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sau thời gian dài theo dõi, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang cơ sở sản xuất Mứt Tết giả trên địa bàn thị trấn Thổ Tang.

Sau thời gian dài thẩm tra xác minh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều ngày 11/1, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Đội QLTT số 2, đoàn kiểm tra liên ngành đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại được thành lập theo Quyết định số 2403/QĐ-CT ngày 8/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã đột xuất tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lợi, tại địa chỉ Tổ dân phố Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm này, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lợi do ông Nguyễn Văn Lợi, trú quán tại tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đã hoàn tất công đoạn đóng gói gần 1.000 hộp mứt Tết thành phẩm, trên nhãn hàng hóa ghi cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Hương Lập, địa chỉ Ngõ 15, Hùng Vương – Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, với đa dạng thành phần gồm mứt lạc, mứt bí, mứt táo, mứt cà rốt, mứt dừa… Ngoài số lượng hàng hóa thành phẩm, tại cơ sở còn có 20 hộp mứt Tết đã đóng thành phẩm, nhưng chưa dán nhãn hàng hóa; 104 gói bên trong có chứa mứt, kẹo đã đóng gói không có nhãn hàng hóa, chưa đóng vào hộp mứt và 1.295 nhãn hàng hóa dùng để gắn vào hàng hóa thành phẩm.

Chủ cơ sở không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu, vật liệu mua vào và các giấy tờ có liên quan. Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Đội QLTT số 5 tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và toàn bộ nguyên liệu, vật liệu dùng để đóng gói, chờ thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Ngày 12/1, Đội QLTT số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành làm việc với Chủ cơ sở sản xuất Bánh Mứt kẹo Hương Lập (Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Lập). Tại buổi làm việc, đại diện cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Hương Lập khẳng định, toàn bộ hàng hóa tại cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Lợi không phải hàng hóa do Hương Lập sản xuất. Cơ sở sản xuất Bánh Mứt kẹo Hương Lập không quen biết, không liên quan đến cơ sở đóng gói Nguyễn Văn Lợi, tại địa chỉ Tổ dân phố Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ sở này cũng không ủy quyền hay không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào đóng gói hàng hóa mang nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm cuối năm và gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo sẽ là khoảng thời gian tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi. Chính vì vậy, nhiều thương lái bất chấp lợi nhuận, buôn lậu, nhằm tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Cùng đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng bất chấp lợi nhuận để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, các mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều vào thời điểm này là hàng thiết yếu như: Dầu ăn, bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, dược phẩm… Ngoài ra, còn có các loại mặt hàng khác nguy hiểm như: Chất gây nổ, pháo, chất kích thích, ma tuý… 

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích