Giải phóng mặt bằng: “Chất xúc tác” cho đường sắt đô thị và khu vực TOD phát triển

Sáng 18/1, tại Phiên chuyên đề “Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt và khu vực TOD” thuộc Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đánh giá, giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu đoạn hết sức quan trọng, trực tiếp giúp dự án được triển khai đúng tiến độ đề ra, là một trong những điều kiện giúp quá trình đầu tư thông thoáng. GPMB cũng là nền tảng quan trọng để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư.

Giải phóng mặt bằng: “Chất xúc tác” cho đường sắt đô thị và khu vực TOD phát triển
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đánh giá, GPMB là khâu đoạn hết sức quan trọng trong triển khai các dự án.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác GPMB Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, Vành đai 4 là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Xác định khâu GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, Thành phố Hà Nội đã đề xuất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó , GPMB đã đi trước một bước, giúp đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Theo đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, từ kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, hoàn toàn có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt (Điều 53 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Giải phóng mặt bằng: “Chất xúc tác” cho đường sắt đô thị và khu vực TOD phát triển
Toàn cảnh hội thảo.

Đặc biệt, việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án. Tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Tại tại Phiên chuyên đề “Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt và khu vực TOD”, các đại biểu, chuyên gia và khách mời đã cùng thảo luận, trao đổi và lắng nghe kinh nghiệm liên quan đến công tác GPMB từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế; cùng thảo luận về các vấn đề khó khăn, thuận lợi liên quan đến công tác GPMB. Đồng thời, cùng thống nhất quan điểm, công tác GPMB chính là chất xúc tác giúp mô hình TOD tại các thành phố lớn được phát triển đồng bộ.

Đinh Luyện – Phương Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích